Nhạc vàng

Em gái nói từ ngày ra Hà Nội, đi đâu cũng nghe thấy nhạc vàng (thực ra nàng nhầm, nàng còn chả phân biệt được tiếng guitar và piano, lol). Nàng phát điên lên rồi. Chưa đủ, thi thoảng lại thấy bà chị bật bài Chuyện hẹn hò của Trần Thiện Thanh lên. Bài hát này tôi chợt nghe lại một lần nọ ngồi trong quán cà phê tán phét, và mợ Đàm hát từ một cái loa. Rồi một lần nọ, ngồi trà đá vỉa hè, nghe được bài hát này với một bản thu âm cũ cũ lắm từ đâu đấy. Đây là bài hát nhạc vàng duy nhất tôi nhớ được. Khoảng năm 92 tới 96, nhạc vàng đổ bộ khắp nơi, và cho tới giờ, nó vẫn là thứ nhạc được thanh niên ở nông thôn nghe nhiều nhất.

Cả bài hát đấy, tôi chỉ thích một câu “Áo ai xanh hờ hững đi vào đêm”, vì nó mà sẵn sàng nghe cả bài hát. Nghe câu đó thôi mà cũng có thể thấy được một kẻ chờ đợi vô vọng ra sao, ngồi ở chỗ nào đó, thấy một ai đó đi ngang qua, vô tình như thế, biến mất trong bóng tối, hi vọng dần dần nhợt nhạt đi. Một câu hát mà tương đương với một cảnh phim dài, thật không thể không khoái được.

Nhờ ơn công kích và châm biếm của nhà nước ta, nhạc vàng đột nhiên trở thành một thứ không chấp nhận được với nhiều người. Đám bạn bè tôi, chỉ cần bị phát hiện ra là nghe nhạc vàng thì chẳng khác gì bị bắt quả tang ngủ với chồng (vợ) người khác. Rên rỉ, ỉ ôi, bạc nhược, làm cùn mòn tinh thần quyết chiến của người ta đi, gắn liền với xã hội Sài Gòn trước 75 – nhạc vàng bị hình dung như vậy trong suốt nhiều năm. Và, nhiều người không bao giờ nghe nổi nhạc vàng, cho dù không phải bài hát nào cũng dở và dễ dãi như người ta định kiến về nó.

Nhìn lại nhạc trẻ Việt Nam bây giờ, có mấy bài là không ỉ ôi khóc lóc, than thở thất tình, dễ dãi và thời vụ, một kiểu nhạc vàng (như người ta vẫn nghĩ) biến tướng vậy thôi. Nói chung, người Việt Nam khoái nhất là lăn ra khóc, nên cái gì đau thương, mất mát, vô vọng, chết chóc một tí họ khoái tỉ đi. Thị hiếu này biết đổ tội tại đâu?

Tôi có biết những bài hát của Trần Thiện Thanh đã bị cấm cấp phép tại Việt Nam và hồi nào đó có vụ lùm xùm về chuyện một bài hát của ông lọt qua cửa kiểm duyệt mà không ai biết. Mợ Đàm hát lại bài Chuyện hẹn hò (mà hát phát sợ) thấy phát khắp nơi, chẳng thắc mắc gì, vậy chắc đã được cấp phép lại rồi.

Tôi vốn chả biết gì về nhạc nhẽo các thứ, tôi chỉ thấy tội nghiệp cho những bài hát. Bản thân chúng nó đã đi qua thời chiến thời bình, có lúc bị cấm và hắt hủi vì yêu cầu của xã hội. Nhưng giờ thời bình rồi, theo lý thuyết ai cũng đã được bình đẳng, những bài hát về yêu đương thất tình hay thăng hoa thì thiên hạ ai ở tâm trạng nào tùy ý người ta nghe. Một bài hát, dù là ai sáng tác, dù thuộc dòng nhạc nào nhưng khi nhiều người biết tới cũng đã là một cơ thể riêng rồi, chúng nó đáng lẽ cũng phải được độc lập, tự do, hạnh phúc.

Nhưng, ngoài những thứ cấm đoán, kiểm duyệt tuyệt chiêu thâm hậu kia cản trở (và cấm cứ cấm, thiên hạ thích nghe cứ nghe) cũng có những thứ định kiến bị đóng cặn lại trong đầu người ta, dù thời gian và cuộc sống thay đổi đi, vẫn không thể nào tự quên đi được. Vậy đấy, trời nắng người còn héo nữa là rau.

Nói thật, tôi cũng định kiến bỏ xừ ra.

Đám tang

Update: Ô, có đứa nào vẽ lại chân dung David Lynch trông rất thú, rất ông ấy. Tuy nhiên, tớ cũng phải nói thật là tớ không thể nào xem hết phim Rabbit của chàng. Lại mưa rồi.

_______________________________

Mk, trên thực tế thì hôm nay là deadline, nhưng Moonie của tớ dạo này chỉ thích vui chơi, nhét đầu vào lỗ như cún Cô Tô, nên chẳng thể nào mà làm lụng được cái vẹo gì.

Chưa làm được nửa trang in, nàng lại lăm le chạy lại gần cái tivi, coi ké chương trình HBO tí xem có gì. Nhưng, hóa ra hôm nay là ngày tiến hành tang lễ cho bác Kiệt.

Nếu mà không phải có người đang xem nói rằng nói là tang lễ bác, chắc nàng Moonie phải tưởng nó là lễ động thổ ở xứ quê nào. Hai cái khung nhà lợp bạt, người dự đứng lô nha lô nhô, ông đứng chỗ này, ông đứng chỗ kia. Dân tình thì hớn hở mũ bảo hiểm, mũ hoa, mũ vành đứng loanh quanh, ngó nghiêng như tai nạn giao thông. Trừ gia đình ông Kiệt ra thì không ai có bộ mặt nghiêm túc.

Đài truyền hình TP.HCM mới có sáng kiến đưa người lên cây quay phim, lấy góc rộng như quay bóng đá, nên càng giúp đỡ đắc lực cho việc phô ra cho người xem TV vẻ náo nhiệt, hỗn độn của đám tang. Còn máy quay chính ở chỗ quan tài bác Kiệt được xếp khéo kinh lên được, nên từ đầu tới cuối chỉ thấy chân với cả tay các anh khiêng quan tài.

Quý hóa nhất là các anh nhà báo, ống kính dài ngắn này nọ, chen chúc, nhảy ra nhảy vô, chẳng có thấy một vẻ tôn trọng, kính cẩn gì. Láo nháo y như đưa tin PMU18. Ồi, mà xét cho cùng đấy là nghề của họ.

Thế là nàng Moonie đành thôi, quay lại với những thứ chết tiệt của nàng.

Phải bảo thật với nàng rằng, không làm việc thì có mà ăn cám, nhá. Lạm phát thì đang chuẩn bị tới, tháng 6 sắp qua rồi. Bác Kiệt thôi đã thôi rồi. Còn cái quái gì mà phải quan tâm.

Mà hơn nữa, chuẩn bị sắp tới nàng sẽ bị vướng vào một vụ kiện tụng vì lạm dụng một số thứ cho mà xem, nói chung như thế là rất không ổn. Nàng phải hết sức cẩn thận. Hehe.

Nhân tiện chuyện đám tang, Moonie của tớ nhớ ra bài thơ của Trần Đăng Khoa. Chính ra anh ấy có duyên đáo để, cái hồi anh ấy còn bé ấy, anh ấy mới thật là thông minh làm sao. Chẳng hiểu anh ấy phải nhớn lên làm cái gì, vừa béo, vừa xấu, lại còn viết lách rất dở hơi. Bài thơ mà nàng Moonie nhớ ra là bài này:

Bác giun đào đất suốt ngày

Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà

Họ hàng nhà kiến kéo ra

Kiến con đi trước, kiến già theo sau

Cầm hương kiến Đất bạc đầu

Khóc than kiến Cánh khoác màu áo tang

Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng

Kiến Kim chống gậy, kiến Càng nặng vai

Đám ma đưa đến là dài

Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà

Kiến Đen uống rượu la đà

Bao nhiêu kiến Gió bay ra chia phần…

December 26, 2007

– Ảnh, tranh vẽ của một em 86 trong DeviantArt, em này trông xinh trai phết. Tôi muốn xin những bài hát như Ngược dòng Hương Giang, Quảng Bình quê ta ơi… mp3 từ 192kb/s của Thu Hiền. Có ai ở đó có không.?

– Tôi đề nghị xử phạt những người đầu tiên sử dụng blog như Justin Hall, vẽ đường cho hươu chạy. Tiến tới, xử phạt tất cả những nhà cung cấp như MySpace, Multiply, Google… và nhất là Yahoo về tội họ làm mất đi độc giả của báo mạng và cho phép user nói thật quá mức.

– Bạn tôi nói: Dù ai bảo nàng không yêu nước hay vô tâm cũng được, nhưng quả thực nàng chẳng quan tâm gì tới chuyện HS-TS. Bởi vì tất cả mọi người đều có một mối quan tâm riêng, cứ lựa chọn thôi. Miễn sao đừng xấu hổ vì thứ mình quan tâm không giống vài người bên cạnh.

– Tôi không hiểu sao quá nhiều các bạn anti Cộng Sản cứ phải lôi những thù hằn cá nhân từ quá khứ của các bạn ra mà tuyên truyền? Cộng Sản là một khái niệm, không phải là cá nhân hay một vài cá nhân. Cho dù những chuyện tôi nghe được từ blog Trang Hạ và Điếu Cày làm tôi chán ngán, nhưng nghe các bạn thì cũng chẳng đỡ chán hơn. Tôi giờ chỉ thích nghe Đào liễu do Quốc Trung phối lại và đọc Junie B.Jones. Tốt nhất là đi làm một cái gì đó có ích như việc anh Quốc Trung khiến cho vài đứa như tôi yêu lại âm nhạc dân tộc hoặc con bé Junie học cách làm thợ cắt tóc xịn.

– Các bạn Thăng Long và nhiều người cứ lôi cái cụm chân quân tử và ngụy quân tử vào chuyện kháng Khựa là thế khỉ nào nhỉ? Chị 2 4 6 nói rằng đã chống TQ thì đừng thích phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu. Bây giờ, hai chữ Thiên Hạ viết trên cát của bộ phim đó đang được người TQ ứng dụng triệt để. Dòm thấy mấy dòng chân quân tử, ngụy quân tử kia, thấy sự bình định về mặt văn hóa thật quá sâu sắc rồi. (Nói gì thì nói, em thích bộ phim này ở cách nó tận dụng được vẻ phô trương của màu sắc, còn vốn thường không thích ông Nghệ Mưu).

– Không biết bạn Tough cười tủm tỉm gì ở entry trước. Chuyện đàn bà xấu đẹp hay chuyện tôi có chồng làm nghề khắc dấu đây? ;)

September 09, 2007

Cho dù cố nhịn không viết theo phong trào – nhưng mà không kiềm chế được. Lại cái chuyện Sài Gòn – Hà Nội đây! (Hơn nửa năm nay, tôi cứ ngồi nói chuyện với một người, mà hễ nói thì thế nào cũng đụng tới chuyện Nam – Bắc khiến nhiều khi tôi sinh chán nản).

Giờ tự nhiên trong mấy blog tôi hay đọc anh nào cũng bàn chuyện HN – SG hết, tôi thấy ngạc nhiên thật. Tôi không phải người Hà Nội, tôi mới sống ở đây có 5 năm. Đây không phải nơi tôi thích nhất. Nếu nói tôi thích thành phố nào nhất ở Việt Nam, thì tôi thích Huế, ở đó khá yên tĩnh và phong cảnh đẹp, đồ ăn cũng hợp khẩu vị của tôi, nhất là món mắm nêm. Chỉ là vì tôi thích chỗ nào không nhiều tiếng động, có nhiều cây và thứ để ăn. Có thể so sánh Huế – Sài Gòn – Hà Nội… Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu người ta so sánh, so sánh mãi thì rốt cuộc người ta tin rằng nơi nào cũng tệ cả.

Ừ, thì đó… Công nhận họ khác nhau.

Đọc trong blog của anh Phan Xi Ne, thấy anh có nói rằng người Sài Gòn ruột để ngoài da, nói thẳng nói thật – cái mà người Hà Nội sẽ nhận xét là nói mà không biết suy nghĩ. Người Hà Nội nói rằng mình biết nói cái gì, không nên nói cái gì, cẩn trọng với những gì cái miệng phát ra – và đó là cái mà người Sài Gòn gọi là không thật thà, khéo léo quá mức.

Tôi tin rằng, một khi người ta đã cho rằng cái mình có là cái tốt, thì những gì ngược lại với nó tự nhiên sẽ thành một thứ đáng ghét.

Tôi đã mất khá nhiều thời gian mới cảm thấy thích Hà Nội. Ở nơi này, tôi thực sự cảm thấy cô độc, ở đây, đi ra đường, tôi cảm thấy mọi người ai ai cũng có thể chửi mắng, thậm chí đánh cả một đứa con gái bé tí như tôi nếu không may tôi quệt nhẹ vào xe của họ, ở đây, người ta sống với những thứ lễ nghi ngớ ngẩn trong khi tôi biết bản chất chẳng còn nghĩa lý gì… Ở Hà Nội có rất nhiều thứ khiến cho tôi cảm thấy chán ghét. Nhưng tôi nghĩ là tôi thích Hà Nội. Bởi vì ở đây có những người tử tế, có những người khéo léo và tốt bụng, có những thứ làm cho tôi cảm thấy dễ chịu… Cách đây hơn một năm, chỉ chút nữa là tôi đã vào SG, tôi rất tiếc là tôi đã không vào, khí hậu trong đó phù hợp với tôi, tôi sợ lạnh, tôi ở lại vì một vài lý do cá nhân… Nhưng tôi tin rằng nếu tôi đi, SG rồi cũng sẽ khiến cho tôi phải shock, ở đó tôi cũng sẽ cô độc, ở đó tôi mãi mãi là người Bắc, ở đó tôi cũng không an toàn. Tại vì sao nhỉ? Tôi nghĩ rằng đó là định kiến. Tôi có định kiến của tôi. Người HN có định kiến và người SG cũng có định kiến.

Anh Viettory nói: tại sao người HN ít nói xấu người SG, mà người SG lại hay nói xấu người HN. Haha, em thực sự không nghĩ thế, em nghe người HN, mà đôi khi chính em nữa cũng nói xấu người SG mãi rồi.

Trích lại câu của chính mình: “Nhưng dù sao, chuyện làm phim giải trí cho cả người Nam và người Bắc là một vấn đề phức tạp, ngay cả tới phim drama comedy cũng khó mà chiều nổi cả hai miền. Và vui thay là người hai miền lúc nào cũng cho rằng thị hiếu của ta cao hơn người còn lại.”

Những điều nghe thấy

Hôm qua đi xem một triển lãm tranh (so, pls forgive me if I make you angry or sad or both, elder-darling). Tôi đến muộn, vì nói chung là bận rộn học hành, công việc chứ không phải cố tình đến muộn. Nhưng về bản chất là tôi không khoái những màn khai mạc, tôi thích những công đoạn sau khai mạc, nên thực tế là tôi dềnh dàng tới muộn. :D

Triển lãm đông lắm, người ta nói chuyện với nhau.

Và trong khoảng thời gian tôi đứng đó, tôi nghe được những điều này. Tây nói:

Where did you learn Vietnamese?

I have a teacher.

Oh, really? Great! How did you do?

Và Ta nói:

Tranh ở đây được vẽ theo Rừng Nauy đấy!

Thế à, cái nào?

Ờ… ờ… Thì tất cả, anh cũng không biết đâu.

Em thử chụp cái bình này anh xem.

Ok, em cũng thử cái xem có bằng mọi người không.

Và nói chung thì mọi người đi quanh, do everything, trừ mỗi việc xem tranh. Có vài người đi vào, nói chuyện ba câu, đi ra, vì: Nóng quá, ra ngoài nói chuyện cho mát. Cuối cùng, chỉ còn tôi và một anh áo đỏ ở lại trong phòng triển lãm, còn tất cả đi ra ngoài cho mát rồi. Chậc, có lẽ vì tôi tới đó một mình, nên tôi chẳng có ai để nói chuyện cả, tôi cũng chẳng biết làm gì khác ngoài xem tranh. Trên thực tế thì tôi chẳng biết mấy chút về những điều này, tôi không phải là người “nội đạo” như họ. Tôi nói với tác giả mấy bức tranh: “Sao em thấy ở đây em cô đơn thế!”. Hehe! Really alone!

Thêm một trò vui nữa, tôi đi học. Những gì tôi học được có thể là không phải rất nhiều, nhưng nói chung khiến tôi tự tin thêm ít nữa. Có lẽ, tôi còn phải có rất nhiều ngày để thu góp sự tự tin mới có thể làm nổi một cái gì.

Chỉ cảm thấy một điều này: Điều khiến cho sinh viên Việt Nam không thể nào làm việc theo nhóm là vì ai cũng muốn làm người đứng đầu và chi phối người khác. Học để làm một nhà sản xuất điện ảnh, nhưng rất nhiều người muốn làm tất cả mọi việc: điều khiển máy quay, chọn màu sắc, chọn âm nhạc, chọn thứ để chi tiền, chọn everything … Tóm lại, họ sẽ là biên kịch, đạo diễn, quay phim, soạn nhạc, dựng… Còn những người khác thì giải tán. Tôi không phải phê phán sự nhiệt tình và mong muốn sáng tạo của họ, nhưng mà nếu cứ thế, thì đến khi làm việc sẽ ra sao nhỉ? Lại oánh nhau ầm ầm chăng? (Hôm nay nói chuyện với một cute father, anh nói người Nhật làm việc hiệu quả vì họ rất biết mình là ai, họ làm phần việc của họ, họ tôn trọng công việc đó… Còn người Việt Nam thì rất thích tư vấn đạo đức cho người khác, làm tranh phần việc của người khác, nhảy bổ vào ý kiến của người khác và lúc nào cũng muốn làm leader! Cũng đúng.)

Thêm một điều lạ lùng nữa, có người mang laptop tới để tranh thủ làm việc khi thầy giảng. Nếu muốn làm việc, sao họ không ở nhà hay công ty mà làm nhỉ? Vừa không học được, vừa không làm tốt công việc.

Đi học, tôi thấy tôi xem phim còn quá ít so với một số người. Tôi gần như blank trong những công việc chi tiết. Tóm lại, vẫn đang chui nửa người trong cái bao bố và nhảy chồm chồm. Đi học, càng thấy tiền quan trọng thế nào trong việc làm phim, mà mình ngoài cái thân ra, chả có mẽo gì. Làm sao để có tiền làm phim nhỉ?