2. Mẹ vắng nhà ngày bão

Khi còn bé, những ngày bão là những ngày yêu thích của tôi. Cây cối bị đổ liêu xiêu, trái cây rụng tơi tả, cá rô phi lên vườn, nước tràn vào sân và cái giếng dâng nước lên cao tới mức tôi có thể thò tay xuống múc. Những ngày đó, trẻ con không phải đi học vì trường đã bay mất mái và các thầy cô thì đang bận ở nhà dọn dẹp lại sân vườn. Ở nhà, trẻ con cũng không bị ai quản, bố mẹ đều đang bận lo thu dọn tàn tích sau bão. Thế nên, thường thì đám trẻ con lau nhau tụ họp, kéo nhau ra vườn đi chụp cá rô, nhặt quả rơi và vui nhất là nhảy pòm pọp vào các vũng nước.

Dẫu vậy, có một cơn bão mà ngoài những sự vụ vui tươi ở trên còn thêm một sự vụ hấp dẫn khác nữa. Khi đó, nhà tôi còn là nhà tranh. Bố mẹ tôi không chịu xây nhà vì khi đó gia đình tôi đã tính tới chuyện chuyển vào Sài Gòn sống. Mẹ tôi vào Nam tìm đất định cư trong vòng nửa tháng. Và đó là khi cơn bão đến.

Tôi không nhớ nổi những dấu hiệu của việc cơn bão đến. Tôi chỉ nhớ đó là một cơn bão lớn thực sự, lớn tới mức nhà tôi bị nghiêng ngả xiêu vẹo. Gió thổi ào ào, thổi tốc cả cái mái nhà tranh, nước mưa chảy vào nhà, giường chiếu ướt tơi tả, nền nhà đất nện nhão nhoẹt. Đêm bão nổi, bố và ông tôi hối hả kiếm nào tre, nào cột để chặn cho cái nhà khỏi bị đổ. Nhưng cái nhà vẫn nghiêng hẳn về một bên, sẵn sàng sụp xuống.

Thế còn tôi, khi ấy chưa tròn sáu tuổi, chưa đi học lớp Một. Tôi vẫn bám trụ nằm trên giường, ngay trong cái nhà sắp sập ấy, gào khóc thảm thiết: “Ối trời ơi là trời ơi! Đừng mưa nữa, trời ơi!” Bố tôi vừa lo chống nhà với ông nội, vừa hét lạc cả giọng qua cửa sổ: “Con ơi chạy ra ngoài đi!” Nhưng tôi không chạy đi đâu hết, tôi vẫn nằm dưới cái chăn ướt, trong cái nhà sắp sập và gào tiếp: “Trời ơiiiiii!” Cho đến khi gió ngừng bớt, bố và ông đã làm xong việc chống căn nhà, tôi mới lọ mọ chân đất đầu ướt chạy ra phòng khách và được ông nội trùm cho tấm áo mưa, bế sang nhà hàng xóm ngủ nhờ.

Ngày hôm sau, khi tôi từ nhà hàng xóm chạy về, mặt chưa rửa, chân vẫn đi đất thì thấy các chú các bác quanh làng đang hò dô kéo cái nhà tôi cho đứng thẳng lại. Và rồi họ đóng lại đinh, chèn lại nền, hối hả xôn xao trong khi bọn trẻ con chúng tôi cãi nhau chí chóe vì mấy quả xanh rụng trong vườn. Mặt đứa nào cũng chưa rửa cả.

Đó là ấn tượng mạnh nhất của tôi về một cơn bão. Tôi nghĩ nếu mẹ tôi ở nhà, thì tôi đã được gửi sang nhà hàng xóm từ sáng, và những chiếc cọc chống nhà cũng được đóng từ trước khi bão tới. Nhưng mẹ đi vắng, đó chính là vấn đề.

Dẫu vậy, cả ba ông cháu bố con đã đi qua cơn bão mà không có thiệt hại gì về người và của cho nhiều. Mà cũng chưa hẳn.

Sau cơn bão gần một tuần, khi sân vườn đã được dọn lại sạch tinh, nước đã rút khỏi sân và cái sân đã được ông nội lấy chổi rễ cọ bóng loáng, tôi lôi một cái ghế ra giữa sân ngồi đọc sách. Tôi thích ra giữa sân ngồi đọc sách vì tôi biết đọc từ khi lên bốn tuổi. Cái sự biết đọc khi chưa đi học thời ấy là một chiến tích vinh quang đến mức tôi thường phải ra chính giữa sân, cầm tờ báo của bố trên tay, trầm ngâm đọc. Thế mới xứng đáng với vầng hào quang của nó.

Cái ghế khá lớn, và tôi bé tới mức ngồi khoanh chân lên thì mặt ghế vẫn thừa ra. Vậy nên, tôi ngồi khoanh chân trên ghế, tay cầm cuốn Thủy Hử của ông ngoại cho mượn, mặt oai như một nữ hoàng vừa lên ngôi sau khi chồng chết. Bỗng nhiên, vì ông nội đang đốt lá rụng trong vườn, có một con vật nhỏ nhỏ, đen đen, lao ra từ đống lửa ấy, phi thẳng vào sân. Tôi chúi ngay đầu xuống xem nó chạy và tất nhiên lộn cổ khỏi ghế, cằm đập cái bốp xuống mặt sân, máu chảy tòe loe.

Tôi không nhớ nổi khi mẹ trở về, nhìn thấy cái cằm sứt sẹo bôi đầy nghệ vàng khè của tôi, mẹ tôi đã giận dữ, càu nhàu những gì. Tôi chỉ nhớ là bà đã càu nhàu chuyện bố tôi trông con ẩu đoảng RẤT RẤT nhiều. Mà cũng đúng, phải càu nhàu chứ, cho tới giờ, sờ xuống cằm, tôi vẫn thấy còn một vết sẹo bé bé, dài dài nằm vắt ở đó. Mà chưa kể, tôi còn không bao giờ có thể biết cái con đen đen ấy là con gì.

(Nếu bạn copy bài viết này, mong hãy để nguồn rõ ràng)

Leave a comment