Về Monster và viết

Tôi chính thức đưa phim thành tình yêu hạng nhì của tôi, tất nhiên tôi không thể bỏ chàng, chàng đã tốt với tôi và chàng tuyệt vời tới thế. Chàng còn giúp tôi kiếm tiền nữa, tôi vẫn yêu chàng, tha thiết như trước, và chắc vẫn để chàng giúp tôi kiếm tiền. Chàng là đại gia và có tình yêu bao la, không yêu chàng sao được? Nhưng người ta chỉ có thể lấy một chàng làm chồng thôi. Tôi lấy một chàng khác, ít đòi hỏi từ tôi hơn, nghèo hơn, cô đơn hơn. Đàn ông trong mộng của tôi đại khái cũng là thế.

Nhưng chuyện về tôi thì chỉ có vậy. :)

Gần đây, khi tình cờ lê la trong forum NXB Kim Đồng, tôi mua lại được bộ truyện Monster từ một bạn trẻ nọ, người nhất định chỉ lấy tôi 60.000D cho cả bộ sách, phải nói đó là chuyện vui nhất trong cái tháng nhiều chuyện quái gở này. Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng đủ loại truyện tranh. Bắt đầu từ truyện tàu, Thủy Hử, Tây Du Ký, Phong Thần, Tam Quốc Diễn Nghĩa… khi tôi mới biết đọc (thực ra sau đó một chút, vì tôi biết đọc khá sớm, khoảng 4 tuổi gì đấy – sống ở nông thôn thì có gì để giải trí với từ ngữ ngoài học chúng?). Sau này, thì tất nhiên tôi có Doraemon, Bảy viên ngọc rồng… Lớn thêm chút nữa, gia đình tôi bắt đầu có hàng nghìn cuốn truyện tranh, thượng vàng hạ cám, của đủ các nhà xuất bản, truyện tranh của Tàu, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản (tất nhiên rồi) và một số của Mỹ… Tôi không đọc truyện của Marvel và các bạn Pháp-Bỉ nhiều vì khi đó quanh nhà không có sẵn. Tuy nhiên, tôi không phải là một mangaphile. Từ rất sớm, tôi đã không còn thích cách vẽ mắt to miệng bé của manga rồi. Khi đó tôi đã lớn lên, đã học được chút văn chương trưởng giả vào người, nên tôi đâm ra khá khó tính khi đọc truyện tranh. Trong cả mấy nghìn cuốn truyện tranh đấy, tôi chỉ được độ vài trăm cuốn và không bao giờ động đến các cuốn còn lại. Vậy nên, dù sống giữa đám truyện tranh chồng chất ấy, tôi cũng chẳng biết nhiều về chúng hơn hầu hết mọi người. Tôi không hề biết Osamu Tezuka thì có gì đặc biệt hay Mitsuru Adachi thì có gì mà oách hơn những các mangaka khác. Với tôi, thì truyện tranh vào lúc ấy đúng chỉ là một thứ để giải trí không hơn.

Tuy nhiên, Monster đã thay đổi quan điểm của tôi, hay đúng hơn, Naoki Urasawa đã thay đổi cách nhìn của tôi về truyện tranh. Dẫu rằng sau Monster, tôi hầu như không còn đọc bộ manga nào với sự say mê đó nữa, thì với bộ truyện này, tôi đã thực sự tin rằng truyện tranh là một thể loại nghệ thuật.

Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra rằng ngoài em gái tôi, tôi hầu như chưa thấy cô nàng nào thực sự thích Monster. Bộ truyện tranh này được xếp vào nhóm truyện tranh cho đàn ông từ 18 tới 35 tuổi. Tôi vốn vẫn thích những gì được viết ra cho đàn ông, có lẽ một phần tôi thuộc cung Thiên Bình. Monster không hẳn là một bộ truyện tranh chính trị, nhưng bối cảnh chính của câu chuyện là thời kỳ Đông Đức – Tây Đức với thái độ phê phán thấy rõ về chế độ xã hội tại Đông Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Chính vì vậy, tôi vẫn luôn luôn tự hỏi tại sao nó lại được xuất bản ở Việt Nam dễ dàng tới vậy. Có lẽ là vì trước đây người ta vẫn cho rằng truyện tranh đều giống như Doraemon cả. Vào lúc này mọi chuyện đã rất khác rồi.

Chính là vì bối cảnh chính là nước Đức (dù hai nhân vật chính của truyện lại là người gốc Tiệp Khắc và Nhật Bản) nên tôi tự nhiên phải nghĩ tới Faust khi đọc truyện. Trong Monster có hai đứa bé sinh đôi mà người ta không bao giờ thực sự biết tên là gì. Chúng là sản phẩm của một cuộc thí nghiệm để xem con người có thể thực sự biến thành thứ gì trong những môi trường giáo dục khắc nghiệt để tạo ra những thiên tài, điệp viên và chiến binh tại các cô nhi viện Tiệp Khắc và Đông Đức. Sau nhiều sự kiện, một đứa trở thành quái vật không tung tích (Johan), một đứa mất trí nhớ và sống cuộc đời vui vẻ tại Berlin (Nina). Cách xây dựng nhân vật nhị trùng, hai mà một, một mà hai này không mới. (Sau này phim Black Swan cũng là một biến thể.) Tuy nhiên, Monster hấp dẫn và phức tạp hơn thế, bởi có sự xuất hiện của một (hay đúng hơn là rất nhiều) nhân vật khác, bác sĩ Tenma.

Người ta luôn biết rằng khi một con người có hai tính cách thiện và ác xuất hiện trong một tác phẩm, thì tất nhiên cái thiện sẽ tìm cách khống chế cái ác và đỉnh cao luôn là tìm cách thắng (giết) nó (Black Swan cũng vậy). Trong truyện, Johan lúc 9 tuổi, sau khi giết chết cha mẹ nuôi, đã đưa súng cho Nina, chỉ tay vào đầu mình vào nói rằng hãy bắn anh đi, bắn vào chính giữa trán. Nina đã bắn.

Nhưng Johan không chết, vì bác sĩ Tenma (khi đó còn trẻ, mới gặp một cú sốc và bắt đầu nhận thức lại về cuộc đời nhưng không hề biết gì về quá khứ của Johan) cho rằng sinh mạng con người là bình đẳng, và bất chấp mọi điều để cứu sống cậu bé. Câu chuyện đã bắt đầu từ đây, bởi Johan đã sống lại, và từ đó cậu ta không ngừng gây ra hết thảm họa này tới thảm họa khác, tìm cách thủ tiêu tất cả những người biết tới sự tồn tại của mình và em gái, tìm cách cho tất cả những kẻ có quyền lực biết thế nào là địa ngục và quan trọng nhất là tìm cách để kéo bác sĩ Tenma vào cùng con đường đi tới ngày tận diệt của chính mình. Tenma vứt bỏ mọi thứ để bắt đầu cuộc săn đuổi con quái vật này, thứ mà anh cho rằng chính mình đã hồi sinh. Nina cũng đuổi theo Johan để ngăn chặn anh trai mình, ngăn chặn Tenma giết người và cũng là để tìm mọi cách khôi phục lại trí nhớ.

Nếu nhìn về mặt con người nhị trùng, thiện và ác, bóng tối và ánh sáng… thì Monster thoạt tiên rất rõ. Người ta dễ dàng nhìn thấy hai phe: những kẻ xấu và những người tốt. Johan đứng đầu phe ác, Tenma đứng đầu phe thiện. Tuy nhiên, bản thân Johan cũng đã là một con người phân đôi, bởi cậu không phải là kẻ sinh ra đã là con quái vật, có một con quái vật đã lọt vào cậu khi cậu tìm mọi cách để bảo vệ em gái mình. Johan trên thực tế không phải là đứa bé được đưa đi thí nghiệm và chứng kiến tất cả những thứ kinh hoàng trong hệ thống đào tạo con người tại Tiệp Khắc và Đông Đức, nhưng vì tình yêu với đứa em gái, cậu đã biến tất cả thành ký ức của mình. Cuộc chiến đấu giữa Tenma và Johan, trên thực tế chỉ là cuộc chiến đấu của Johan với chính cậu, và của Tenma với chính anh. Johan vì yêu thương em gái quá đà mà nhận tất cả sự tàn khốc vào người, trở thành quái vật, còn Tenma vì hướng tới sự lương thiện và nhân văn cực đoan, cuối cùng đã tiếp tay cho điều ác. Rốt cục thì sinh mạng con người có bình đẳng không? Cái thiện có tiêu diệt cái ác không? Johan và Tenma đều trở thành thần tượng của người đọc truyện vì họ đều đứng đầu ở hai thái cực khác nhau của chủ nghĩa anh hùng cá nhân (ở một mặt nào đó, Johan chắc sẽ có đông fan hơn bởi cá tính nhập nhằng, bởi sự thần thánh hóa của Naoki Urasawa về một con quái vật có khả năng và bộ mặt và đôi lúc là cả trái tim của Chúa trời này – Trong khi đó, Tenma là anh hùng kiểu Atticus trong To Kill A Mocking Bird – một người vĩ đại trong vẻ ngoài bình thường.)

Nina được xây dựng như nửa kia của Johan, nhưng vai trò của cô trong cuộc chiến thiện ác trong một cá thể này bị đẩy xuống hàng hai, cô là một câu chuyện khác – câu chuyện của một người bị rút sạch ký ức ra khỏi đầu và đánh mất ý thức về bản ngã của mình. Cô lương thiện, trong sáng bởi vì có kẻ đã nhận hết phần ác ra khỏi cô, nhưng cùng lúc đó cô chẳng biết mình là ai nữa. Cuộc săn đuổi của cô với Johan, thực ra chỉ là chuyện cô đi tìm lại cái ác của chính mình, bởi vì người ta không thể tồn tại mà không có phần đó được. (Thực ra hành trình của Johan cũng là hành trình đi tìm bản ngã, bởi lẽ cậu chính là con “quái vật không tên” như một cuốn picture book được kể lại trong Monster  – nhưng điều cậu sợ nhất là một ngày nào đó cậu  sẽ “ăn thịt” mất em gái mình, nên chuyện đi tìm bản ngã của cậu rốt cuộc lại là một chuỗi những giết chóc, nhằm biến mình thành “không tên” thự c sự).

Trong truyện còn một nhân vật khác nữa xuất hiện từ đầu tới cuối là thanh tra Lunge, người luôn cho rằng Tenma là kẻ giết người (trong những vụ thực ra do Johan giật dây kẻ khác gây ra). Lunge là điển hình cho kiểu nhân vật duy lý trí, chỉ biết tới công việc, chỉ tuân theo logic. Lunge đóng vai trò kẻ săn đuổi Tenma để câu chuyện thêm phần gay cấn, để Tenma không có đường quay lại (vì ngoài chuyện tiêu diệt Johan như tiêu diệt cái ác, thì anh cũng cần chứng minh cậu ta có thật để khẳng định mình vô tội), nhưng vì với ông ta thiện ác hay quái vật ban đầu chỉ là chuyện vớ vẩn. Cái ông ta cần biết chỉ là sự thật. Và vì ông ta ít tình cảm nhất, duy lý nhất, nên dù khởi đầu muộn hơn, ông ta vẫn đi nhanh nhất, ông ta tới được chốn tận cùng thế giới đầu tiên, trước cả Johan, Tenma, Nina (hay một nhân vật khác nữa, Grimmer – người được sinh ra trong cái ác nhưng đã trở thành kẻ thiện tuyệt đối – một siêu nhân). Vậy thì cái gì dẫn đường cho bạn đi tới cái đích bạn muốn, tới sự thật? Trái tim hay Khối óc?

Nói chung, tôi mà viết về cái này thì còn dài dằng dặc. Bởi vì Monster không phải là một câu chuyện, mà là đan cài của hàng trăm câu chuyện khác nhau (chỉ trong 24 tập sách). Vấn đề quỷ và người trong một cá thể xưa cũ là chủ đề lớn nhất, nhưng chỉ là một trong nhiều chủ đề khác được Monster đề cập tới. Chưa kể, Monster là một bộ truyện tranh có tính điện ảnh cực kỳ cao (nhưng sẽ vô cùng khó để người ta làm ra được một bộ phim truyện chỉ dài vài tiếng từ nó). Tính điện ảnh ở đây nằm trong cách kể chuyện (lôi cuốn, hấp dẫn theo mọi thứ lý thuyết củaHollywood) và cách vẽ, tôi nghĩ các nhà làm phim sau này chỉ cần cứ thế mà làm thôi, chẳng cần phải vẽ storyboard mà làm gì. Điều này cũng dễ hiểu, vì Urasawa là fan lớn của Tezuka (mà lại còn sinh ra sau).

Tôi lại nói rất dài dòng về Monster thêm một lần nữa trong blog này, vì quả thực Naoki Urasawa chính là nguồn cảm hứng viết của tôi lúc này. Khi đang viết 20th Century Boys, ông đã phải nhập viện trị liệu vì sái bả vai – hậu quả của việc hàng chục năm ngồi vẽ truyện tranh liên tục. Tôi tự hỏi không hiểu người ta vẫn hiểu thế nào về đam mê sáng tạo, nhưng việc một người miệt mài vẽ tới sái bả vai là một người đam mê sáng tạo thực sự, chẳng có gì nghi ngờ nữa. Trong một bài phỏng vấn, ông nói khi sáng tác, ông chẳng sợ gì cả, không sợ người ta không hiểu mình, bởi vì nếu ông thấy truyện của mình hấp dẫn, thì tự khắc người đọc cũng sẽ thấy nó hấp dẫn, ông hiểu thì người ta sẽ hiểu. Điều ông muốn, không phải là ở chỗ người ta có dễ dãi mua nó hay không, mà là nỗi băn khoăn thực sự rằng tác phẩm của mình có phải là một kiệt tác hay không. Ông bất chấp việc hàng triệu fan phản đối khi ông thay đổi cốt truyện của mình theo hướng khác, như Bob Dylan vẫn hát rock’n’roll dù hàng trăm khán giả la ó dưới kia.

Nhờ ông, tôi thấy yên tâm khi khởi sự viết tất cả những gì mình muốn mà chẳng sợ gì cả. Dẫu cái phần cho rằng mình đang viết ra một kiệt tác thì tôi xin nhường lại cho riêng Naoki mà thôi. Tất cả chúng ta đều có Johan trong người và giờ đã đến lúc cho Tenma đuổi theo hắn.

26 thoughts on “Về Monster và viết

  1. Hồi nhỏ Trâm cũng đọc truyện này rồi. Tuy nhiên do Trâm là người đầu óc khá đơn giản, đọc truyện để giải trí là chính, nên thời điểm đọc Monster thì thấy khó hiểu lắm, tuy thế vẫn đọc cho hết bộ để xem cái kết như thế nào. Vài năm sau đó thì cũng có đọc lại, hiểu thêm được nhiều thứ khác. Trâm vẫn nhớ Monster viết về gì, vì truyện này cũng không phải loại dễ quên :) – Hôm nay đọc lại bài của Moony thì hiểu rõ hơn vài điều nữa (hehe, trước giờ vẫn thích cách suy luận của Moony)

    Like

  2. Tôi cũng là một người hâm mộ Monster. Lan dau tien doc Monster trong mot dip tinh co, toi da thay day la mot cuon truyen tranh khac la. Tình cờ vì cuốn tôi đọc không phải là tập đầu tiên, và sau đó tôi phải tìm đọc Monster theo cách có cuốn nào đọc cuốn ấy, không theo trật tự gì mà vẫn hiểu và bị lôi cuốn một cách lạ lùng. Thanh tra Lunge với cách ông ta nhập liệu thông tin vào bộ nhớ, phân tích và đối soát chúng là điều khiến trí óc non nớt thời ấy của tôi cực kỳ ấn tượng. Urasawa xây dựng một Monster thuyết phục khi tuổi đời còn khá trẻ. Tôi cảm thấy ghen tỵ kinh khủng vì bạn đã mua lại được cả bộ với giá 60.000 VND. Tôi để lại commment vì rất mong có được dịp nhìn thấy bộ truyện của bạn.

    Like

  3. @ Sơn Phước: Em rất nên đọc bộ truyện này. :)

    @ Đồng Nhơn: Nói về Grimmer thì lại phải dài dằng dặc nữa, one of my fav characters. :)

    @ Trâm: hihi, ừa, ngay cả Moonie cũng phải lớn thêm lên mới hiểu rõ hơn nữa.

    @ Mayngo: Thực ra bộ tớ mua thiếu tập 24, nhưng 23 tập cũng tạm vừa lòng, vì tập 24 tớ thuộc nằm lòng rồi. Trong truyện có một bác sĩ tâm lý với ông Lunge rằng cách ông ta nhập thông tin vào não bằng chính đôi tay mình thực ra không tốt, vì khi đó chúng ta đã bóp méo thông tin theo cách hiểu của chúng ta. Nhưng cuối cùng ông Lunge cũng đã đi tới đích. Tớ cũng rất khoái ông ấy. :)

    Like

  4. Hôm nay không phải tình cờ mà đọc được bài của bạn, bởi trải qua bao năm sau khi đọc Monster bỗng dưng nhớ tới nó, vậy là lên google để tìm những bài cảm nhận về Monster và đã đọc được bài viết thực sự rất hay này của bạn. Mình đọc Monster vào hè năm mình học lớp 10, hồi đấy đọc mình thấy thực sự rất hay, li kì, bí ẩn, cuốn hút, những câu chuyện về xã hội Đức thời bấy giờ luôn làm mình rùng mình, nhân vật Johan là nhân vật mình thích nhất, bởi tính bí ẩn, và như bạn nói tính cách nhập nhằng là một điều cuốn hút mình. Lúc mình đọc mình cũng hiểu nhưng không thể diễn đạt giỏi như bạn được, đọc cảm nhận của bạn càng lầm mình thấm truyện, nhưng đáng tiếc là sau này mình không còn có cơ hội đọc lại truyện này nữa, có dịp thì mình sẽ đi hỏi xem ai có để đọc lại. Mình vẫn còn nhớ có cảnh một bữa tiệc diễn ra trong một biệt thự, sau khi uống rượu thì tất cả đều chết hết, thực sự rất ám ảnh. Đây có thể là bộ truyện gây sâu sắc, ấn tượng nhất từ nội dung, đến tính cách nhân vật, tình tiết đối với mình nhất, dù cho mình đã đọc rất nhiều truyện tranh. À, mình cũng là con gái, và giống như bạn thích đọc những truyện viết cho con trai. Cám ơn bạn rất nhiều vì đã viết ra một bài cảm nhận hay đến như vậy!

    Like

  5. Chào chị, em vừa đọc xong bộ Monster, thấy ấn tượng quá mức nên đi tìm những sự đồng cảm khác của mọi người, và em đã “lạc” đến blog của chị. Qủa thật, giống như những anh chị ở trên đã nói, bài viết của chị là một bài viết rất hay, và chị đã khiến cho em hiểu thêm về bộ truyện này. Qua đó, em thấy chị là một người có kiến thức rất rộng và sâu sắc. Cám ơn chị về bài viết…

    Like

  6. Chào cậu. Tớ cũng là con gái, Tớ cực kỳ ấn tượng bộ truyện này. Cũng không hiểu vì sao tớ lại có một niềm yêu thích kỳ lạ với thể loại truyện như monster (những truyện đi tìm hiểu về bản ngã, khởi nguồn cái ác/thiện và đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật). Và hơi buồn cười, tớ luôn có xu hướng vô cùng thông cảm, ngưỡng mộ (cũng có thể là đồng cảm mặc dù tớ tự nhận tớ là con người vô cùng thánh thiện – he he) với những nhân vật phản diện như Johan. Tất cả mọi thứ đều có 2 mặt, cũng như live vs evil. Nó tồn tại song song lẫn nhau và không thể nào triệt tiêu triệt đi hoàn toàn. Có rất nhiều manga như một hành trình đi tìm bí ẩn của tội ác. Một bộ truyện khởi đầu cho tớ niềm đam mê này là “Người x” được phát hành có lẽ vào năm 2000 (tớ nhớ rằng tớ đọc được nó vào năm học lớp 6), sau đó còn nhiều truyện khác về những cuộc đời của các kiếm sĩ trong thời loạn lạc của xã hội nhật bản xưa với câu hỏi “nhân chi sơ tính bản thiện” hay “nhân chi sơ tính bản ác”…
    Và nếu được đề cử 1 bộ phim điện ảnh có nội dung liên quan đến chủ đề này, tớ sẽ đề cử đến cậu 1 bộ phim của HQ “Xuân. hạ, thu đông rồi lại xuân”, với 1 lời bình kinh điền: “Cái ác không tự sunh ra cũng như không tự mất đi. Nó chỉ chuyển hóa từ dạng n ày sang dạng khác. Độc ác hơn và tinh vi hơn”.

    Like

  7. “Tôi lấy một chàng khác, ít đòi hỏi từ tôi hơn, nghèo hơn, cô đơn hơn. Đàn ông trong mộng của tôi đại khái cũng là thế.”

    Có vẻ tôi rất giống với người đàn ông trong mộng của Mun, nhưng mà người đàn ông luôn muốn là mối tình đầu của người phụ nữ, còn người đàn bà luôn muốn là bến đỗ của cuộc phiêu lưu cuối cùng của người đàn ông.

    Like

  8. Tuyệt quá chị. Hồi còn nhỏ em cũng mê mệt bộ này. Hồi đó bên ngoài bìa viết là truyện kinh dị nên ba em không cho coi nhưng không hiểu làm sao cũng cố đọc. Ngày ấy đọc chỉ thấy từng truyện nhỏ nhỏ của nó rất hay và nhân văn, sau này lớn chút lại gom cả bộ về đọc lại, mỗi lần đọc lại nhận ra những thứ khác nhau mà mình chưa từng thấy trước đó. Xung quanh em lúc đó chẳng ai đọc và cũng ít ai thích :D Giờ đọc được bài này của chị thấy thoả lòng quá. Hay lắm chị ơi.

    Like

  9. Em cũng rất ấn tượng và đặc biệt thích bác Naoki vì trong số các mangaka Nhật nổi tiếng mà em biết họ đa phần ca ngợi người Nhật và văn hoá Nhật v.v..v trong khi bác này lại chọn chuyện kể ở nước Âu, ca ngợi đủ mọi thành phần tầng lớp tận cùng kiệt quệ dưới đáy xã hội, tuỳ thích. Kiểu như Naoki chỉ kể những gì mình thấy cần, chứ không đem dân tộc vào đó mà tuyên truyền :D

    Like

  10. Ah mình không đồng ý với ý kiến rằng johan quá yêu em gái mình mà nhận hết phần ký ức xấu về mình. Đó là sự lầm lẫn về mặt ký ức dưới tác dụng của ma tuý của trại mồ côi 511. Quá trình tìm lại kí ức bị đánh mất của johan cùng quá khứ đen tối thật sự là điều hấp dẫn mình nhất trong truyện. Mình không nghĩ rằng tenma quá lương thiện mà tiếp tay cho cái ác. Có điều anh đã mắc sai lầm khi say rượu rồi nói những điều mà khiến johan ra tay giết người điều mà người lớn không nên nói với trẻ con nhất là đứa trẻ như johan. Chính vì thế mà 9 năm sau tenma phải bắt đầu cuộc hành trình để cứu lại monster mà anh đã vô tình tiếp tay cho tội ác.

    Like

  11. Mình không cho rằng nina lương thiện trong sáng bởi vì johan gánh giùm ký ức kinh hoàng tại lâu đài. Nina có thể may mắn hơn johan vì không bị thẩm thấu mấy cái chuyện cổ tích điên rồ kia , đặc biệt vì câu nói của franz bonaparta rằng cô không thể trở thành monster. Hơn nữa cô không hẳn là người sâu sắc bằng chứng là chỉ có johan khóc khi mẹ cô rời đi hơn nữa còn bắn một phát vào đầu anh mình. Có thể nói vì nina là một đứa trẻ bình thường nên hạnh phúc hơn chăng?

    Like

  12. Gặp đã khó xa nhau càng khó
    Gió đông mơn trớn đám hoa tàn
    Tằm xuân cố nhả tơ rồi chết
    Thành tro ngọn nến nuốt lệ khan

    Tóc mây rời rã trong gương sáng
    Trăng già lạnh lẽo áng thơ đêm
    Bồng lai chắc hẳn gần đây lắm
    Chim xanh báo hộ mối ân tình!

    Like

  13. Mình rất ấn tượng với bộ truyện này, thật sự là đã đọc nó rất lâu rồi, chỉ biết là nó rất hay nhưng đã quên cái hay đó như thế nào rồi. Nếu bạn thật sự còn giữ lại bộ nay thì có thể cho mình mượn đọc không? Mình biết nếu hỏi mua thì chắc là bạn ko đồng ý, nhưng nếu được mượn về đọc trong dịp tết này thì còn gì bằng. Trên mạng thì rất nhiều luôn nhưng mình rất muốn tìm lại cảm giác khi cầm bộ truyện này trên tay và nghiền ngẫm. Mong sớm nhận được hồi âm của bạn (0938.808484)

    Like

  14. Thật sự truyện này rất hay và ám ảnh mãi trong đầu mình, đọc tr mà như thể lạc vào thế giới của Monster vậy. Nhiều triết lý rất sâu sắc và rất đúng với cái XH này. Cả bộ truyện từ đầu tới cuối đêu mang màu sắc u ám, quấn lấy ng đọc. Nói chung cảm xúc rất khó tả. H mình rất muốn mua lại bộ này mà không biết mua ở đâu.

    Like

  15. Lâu rồi ngồi lục Monster xem lại. Cảm xúc vẫn tuyệt như vậy. Thậm chí là hơn thế nữa..vì ngẫm ra đc thêm nhiều điều.

    Like

  16. Thấy mí bạn bình loạn sôi nổi quá nên mình cũng phải tham gia vào cho…xôm tụ. Vừa đọc xong, và ở cái tuổi 28 của mình thì bao nhiêu “chất” của truyện đều thấm hết. Nhưng có 1 điều tệ hại hơn hết mình lại thấy một vài tính cách của nhân vật chính lại có phần tương đương với mình, đều có tuổi thơ u ám cả. Thật tình mà nói nếu xã hội cứ tiếp tục ích kỉ, con người sống vì cá nhân không quan tâm lẫn nhau, hành vi bạo hành trẻ em thì sớm muộn gì thế giới cũng sẽ có một Hitler thứ 2 xuất hiện, vì sao ư, Monster đã nói quá rõ và xã hội bây giờ vẫn đầy rẫy những mầm mống như thế. Rất nhiều người thiếu đi tình yêu thương, quan tâm lẫn nhau, và vì thế sẽ sinh ra sự oán hận, dẫn đến có những hành vi sai lầm.

    Like

  17. Không ai biết Hitler đã trải qua những gì, có giống như Johan không, nhưng mình chắc chắn một điều rằng cũng không mấy tốt đẹp gì thì tâm tính con người mới biến chuyển vậy, dẫn đến việc muốn hủy diệt hàng loạt. Vì thế hãy trân trọng và quan tâm những người xung quanh khi còn có thể, bởi nếu không sẽ đến một ngày thế giới sẽ chính kiến những nỗi sầu ai oán đầy khóc than.

    Có phản hồi gì cứ pm qua FB mình nhé: fb.com/tuananhvu38

    Like

  18. Đối với em Monster là bộ phim tâm lí đỉnh nhất trong lòng em luôn đó ạ^^

    Like

Leave a comment