Cái năm 20 ấy năm gì…

Ngày này năm ngoái, tôi bay từ Nhật trở lại Việt Nam để kịp đón sinh nhật cô em gái. Thật không ngờ với một kẻ lúc nào cũng bay qua bay lại như chim là tôi đây, đó là chuyến bay quốc tế cuối cùng, vì chẳng bao lâu sau bệnh dịch ập tới.

Năm 2020 có lẽ là một năm đáng nhớ với tất cả mọi người, nhưng với tôi, nó còn là một năm cực kì đặc biệt: Tôi trở thành một người mẹ. Con gái tôi ra đời trong những ngày thành phố HCM phòng chống covid gay gắt nhất, giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa, bệnh viện siết chặt thăm nuôi. Nhưng rồi, cũng như mọi em bé khác, con tôi chẳng bận tâm đến những chuyện ồn ào như số lượng người nhiễm bệnh và tử vong, khủng hoảng kinh tế hay chuyện nước Mỹ đánh nhau vì bầu cử. Con chỉ bận làm một em bé, học ngủ học ăn, học lật, học ngồi, học cách nói chuyện với người lớn bằng những âm thanh ê a. Năm 2020 hết thì con cũng kịp học được cách vịn tay mẹ mà đứng lên.

Làm mẹ là trải nghiệm chắc mà niềm vui, sự căng thẳng và cáu giận nhiều ngang ngửa nhau – chuyện này chắc bất kì người mẹ nào cũng hiểu. Tôi không thích việc thi vị hóa chuyện làm mẹ, vì nó khiến người ta trở nên kỳ vọng quá nhiều ở phụ nữ và những người mẹ. Làm mẹ không phải chỉ là những lúc nhàn nhã ôm con trong vòng tay, nằm cạnh hít hà bầu má sữa hay những lúc bận đồ đôi nắm tay nhau. Làm mẹ còn là những thử thách về cơ thể, là trăm ngàn nỗi lo, là cảm giác đơn độc và cả những lúc mất phương hướng, chẳng rõ mình làm gì sai. Tất nhiên, dù một ngày có thế nào đi nữa, khi đêm xuống, việc đã xong, được nằm cạnh con, nhìn con người tí hon ấy yên bình ngủ, tôi lại thấy tất cả những gì mình trải qua trong ngày đều chẳng có gì đáng kể.

Tuy nhiên, chuyện làm mẹ còn buộc tôi phải đối diện với những điều mà suốt nhiều năm tôi đã dẹp qua một bên. Từ môt người có vẻ ngày càng tin vào sự hư vô của tồn tại, tôi bỗng bàng hoàng nhận ra mình phải chịu trách nhiệm về hẳn một con người. Tôi không thể làm điều mà từ độ tuổi 20 tôi vẫn muốn làm, là đến lúc chết thì bụp một cái, tan biến vào hư không, không để lại dấu vết gì. Con người tí hon này sẽ lớn lên, và mình sẽ phải đảm bảo con lớn lên cùng tình yêu, với tự do và trải nghiệm trong giới hạn an toàn.

Vì trải qua một tuổi thơ tương đối sóng gió, với những biến cố đổ ập đến như sóng trào và nỗi ám ảnh về nợ nần, phá sản, tôi vốn vẫn cho rằng con người tốt nhất không sống vì vật chất và cũng đừng nợ ai. Vì quan niệm chẳng cần sở hữu gì cả, tôi tới tuổi tiệm cận 40 vẫn chưa có nhà cửa, chẳng có tài sản nào đáng giá, thậm chí sách tôi cũng đã đem cho biếu tặng, đóng góp từ lâu. Nhưng giờ có con trong một năm quá nhiều biến động, tôi chợt giật mình mà nghĩ: Nếu ngày mai mình bị covid và không bao giờ có thể gặp con lần nữa, thì mình để lại được gì cho con để con không khốn khó khổ sở. Có thể nói là không có gì hết!

Tôi chưa bao giờ sợ ý nghĩ mình sẽ chết, nhưng giờ tôi sợ mình chết, sợ chồng mình chết… Khi chưa sinh con ra, tôi đã suy nghĩ ráo riết về việc mình và chồng mình mà chết, thì con sẽ sống với ai. Lần đầu tiên trong đời, tôi phải ngồi kiểm kê xem những gì mình có trong tay, và thảo sẵn di chúc có người làm chứng. Có thể chuyện này sẽ khiến bạn buồn cười, nhưng năm 2020 mà, bạn làm sao mà biết được chuyện gì sẽ xảy đến?

Thế nhưng, kể cả khi tôi chuẩn bị tất cả mọi thứ như thế, đôi lúc, tôi vẫn cảm thấy có lỗi vì đưa con tới thế giới này. Trong những năm gần đây, tôi liên tục di chuyển từ niềm hy vọng cho đến sự vô vọng về thế giới. Tôi kinh ngạc về sự thay đổi trong điều kiện vật chất của người Việt Nam, nhưng tôi cũng cảm thấy kết cục bi kịch của nhân loại chúng ta là không tránh khỏi. Thế mà tôi vẫn sinh con ra… Có lẽ, phần hy vọng và lạc quan trong tôi vẫn lớn hơn sự bi quan và vô vọng.

Nhưng, hãy quay lại với hiện tại cũng bi kịch không kém của chúng ta. Năm 2020, gia đình tôi có lẽ thuộc về số ít những người chịu ảnh hưởng rất ít từ đại dịch. Dù đoạn trên tôi nói nghe có vẻ như tôi cạp đất mà ăn, nhưng thực sự thì thu nhập của gia đình tôi không tệ đến thế. Gia đình mở rộng của chúng tôi gồm anh em bố mẹ, dù sống ở nước nào cũng không ai bị nhiễm bệnh. Chúng tôi vẫn ngồi nói với nhau về chuyện này, và nhắc nhở phải biết ơn thế giới này và sự may mắn của mình. Sự may mắn đó không đến với nhiều người bạn của chúng tôi. Ở Việt Nam, tôi có hai người bạn phải đóng cửa công ty, ở Mỹ, nhiều bạn bè của chúng tôi nhiễm covid, trong đó có một người đã mãi mãi ra đi.

Chỉ còn 6 tháng nữa là tôi về lại VN đủ 2 năm, thời hạn mà học bổng của tôi yêu cầu trước khi tôi được phép xin định cư tại Mỹ. Vào lúc này, vợ chồng tôi đều không mảy may nghĩ về chuyện quay lại đất nước đó. Tuy nhiên, dù không muốn di cư, tôi vẫn quan tâm sát sao đến đất nước này, có khi còn sát sao hơn thời tôi còn ở đó. Có lẽ vì giờ ở đó tôi đã có bạn bè, có những người tốt đẹp mà tôi quan tâm, yêu quý, và cả những người tôi chỉ tình cờ gặp nhưng đủ khiến cho tôi băn khoăn về tình hình của họ.

Trong ngày tôi sống trong khu căn hộ cạnh con trail và dòng suối nhỏ, tôi nhiều lần gặp một ông bố và ba đứa con nhỏ thường xuống bờ suối chơi. Họ từng có một ngôi nhà, nhưng khi bà mẹ phải phẫu thuật tim, mất việc làm, họ lâm vào nợ nần, phá sản và buộc phải chuyển tới thuê khu căn hộ giá rẻ dành cho sinh viên này. Họ có một chiếc minivan, nhìn qua cửa sổ xe đã thấy đồ chơi, quần áo chất đống – hình ảnh điển hình của một gia đình đông con nghèo khổ. Những đứa trẻ chỉ từ 4 đến 7 tuổi đặc biệt yêu quý Emma, con chó của chúng tôi. Chúng thường chờ tôi dắt Emma xuống chơi, và cảm ơn tôi bằng cách chia lại cho tôi những chiếc bánh cookies rõ ràng được nhận từ một bữa ăn từ thiện nào đó. Khi tôi sắp trở lại Việt Nam, cô bé út một hôm bỗng từ đâu tất tả chạy lại phía tôi, hân hoan khoe rằng cô bé sẽ chuyển đến nhà mới “Có cả một khu vườn, và cả một cái nhà kho nữa” – Những lời nói ấy khiến tôi vừa mừng, vừa nặng trĩu. Hai cô cháu trao nhau một cái ôm chúc mừng, và cũng là cái ôm chia tay – để biết rằng chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại.

Cũng những ngày ở đó, hàng xóm ngay tầng dưới của chúng tôi là một cặp vợ chồng già. Ở độ tuổi hơn 60, bố mẹ chồng tôi đã trả xong tiền nhà từ lâu và an tâm dưỡng già, họ vẫn cặm cụi đi làm và ở thuê trong căn hộ giá rẻ ấy. Tuy nhiên, sự khó khăn về vật chất và những bệnh tật trên cơ thể không ngăn cản họ xây dựng nên một mái ấm rực rỡ và thơm ngát. Mỗi dịp sinh nhật, ngày lễ tình yêu, ngày kỷ niệm, họ lại trồng thêm một chậu hoa, và mỗi buổi chiều, hai cụ lại ban công ngồi cạnh nhau ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi, giữa những chậu hoa lấp lánh và ấm áp của mình.

Những ngày nước Mỹ chìm trong đại dịch này, tôi tự hỏi những gia đình đó đã ra sao. Liệu những đứa trẻ có lại phải một lần nữa chia tay ngôi nhà thân yêu, hay bố mẹ chúng đã phục hồi tốt hơn sau cú sốc cả về sức khỏe lẫn kinh tế. Liệu hai cụ già (mà người vợ là một y tá) có được mạnh khỏe, có còn được thư thả ngồi ngắm hoàng hôn bên nhau hay cũng phải chia xa như biết bao gia đình có người làm trong ngành y khác.

Năm 2020 khép lại rồi, có lẽ người ta có rất nhiều mong ước cho năm tới. Tôi ngồi viết những dòng này khi chồng tôi đã kịp ngáy pho pho và con gái bé nhỏ thì nằm thở đều đều trong chiếc nôi giờ đã quá chật so với con – tôi nghĩ mình đã có hầu hết những thứ mà người ta mong muốn. Tôi vẫn đùa rằng năm mới mong chồng tôi bớt ở dơ vì tôi sắp đạt đến giới hạn chịu đựng rồi, nhưng tôi biết ơn là gia đình chúng tôi không bị chia cách như rất nhiều gia đình vợ Việt, chồng Tây khác. Rồi từ từ chúng tôi sẽ tiến vào năm 2021, với những mâu thuẫn nhỏ nhặt như mọi gia đình khác, và sẽ vẫn biết ơn vì mình còn sống, còn khỏe mạnh và có được một em bé quý giá để yêu thương, và nếu làm bố mẹ tốt thì sẽ được yêu thương lại.

Chúc mừng năm mới, mọi người!

One thought on “Cái năm 20 ấy năm gì…

Leave a comment