Sự phẫn nộ của bầy cừu

– Vì sự cấm đoán của chính phủ ta, tôi đã sang Kampuchea hậu dân chủ xem phim The Hunger Games. Bản thân bộ phim The Hunger Games đã là một ví dụ của thế giới tương tự Panem của Hunger Games. Bộ phim được làm ra sao đó để các bạn kiểm duyệt phim Mỹ cho nó là PG13, trong khi nếu như bộ phim này muốn tả hết được sự tàn bạo của đấu trường thì phải lên mức R. Tất nhiên, khi độc giả đa số là các bạn từ độ tuổi 14, thì việc PG13 là cần thiết để nó trở thành bộ phim ăn khách nhất từ đầu năm đến nay (và e rằng sẽ không có đối thủ khác trong năm nay).

Thế nhưng, các bạn kiểm duyệt phim của chúng ta cấm. Như mọi chuyện cấm khác, không cấm thì không ai bận tâm gì, cấm rồi thì ai cũng nghĩ: Tại sao nó lại bị cấm? Thế rồi khi đi xem phim về, tôi đoán tuyệt đại đa số các bạn đã xem sẽ nghĩ: Thế này thì có gì mà cấm? Hầu hết các cảnh quay bạo lực trong phim đều chọn cách quay cận, vài cái dao vung lên, vài vệt máu như cắt tiết… gà. Cảnh đáng sợ nhất trong phim là khi một cô bé bị ong đốt tới biến dạng, thì vì POV là của Katniss (khi đó cũng đang bị choáng váng vì ong), nên hình ảnh trở thành mờ mờ ảo ảo. Câu chuyện trong phim tuy làm về bạo lực (một cách bóng gió), nhưng trên thực tế là để chống lại bạo lực. Bất cứ người xem nào dù khờ khạo đến đâu cũng nhận ra chủ đích rõ ràng của người làm phim khi Katniss (và các vật hiến khác) cuống cuồng, hoảng sợ trốn chạy thì đám người Capitol xanh xanh đỏ đỏ cười đùa phấn khích.

Vậy thì tại sao nó bị cấm? Có lẽ là vì bộ phim hơi khác cuốn sách một chút. Ai đọc sách rồi thì đều biết rằng cuốn sách này lấy điểm nhìn từ Katniss. Phim thì không, thỉnh thoảng điểm nhìn mới là của Katniss, còn lại là của người thứ ba. Người thứ ba thì biết hết mọi thứ, thế nên có những cảnh tới tập 2 của sách Katniss mới biết, trong phim phần 1 đã xuất hiện. Đỉnh cao là khi người dân quận 11, quê hương của cô bé Rue, sau khi nhìn thấy dấu tay chào vĩnh biệt của Katniss đã nổi dậy hàng loạt, tấn công đội trị an, đập phá hết mọi thứ. Đó là sự phẫn nộ mà có lẽ thần kinh một số người hơi yếu để xem.

– Anh Phan nói cho tôi biết chuyện Rue do một cô bé da đen đóng đã khiến rất nhiều người phản đối. Quả đúng là như thế thật. Rue trong sách trên thực tế cũng được mô tả là một cô bé da đen. Thế nhưng, định kiến của đám người văn minh mọi rợ cho rằng, một cô gái tốt đẹp tới mức đó, mong manh tới mức đó, chắc chắn phải là một nàng da trắng. Sự phân biệt chủng tộc có ở trong máu những kẻ yêu cuốn sách chống lại sự bất công này. Và có lẽ, nó có ở trong tất cả mọi người, từ ý thức, tới vô thức.

Cô bé đóng Rue là một cô bé đáng yêu, xinh xắn. Thế nhưng, xinh mà đen thì cũng bỏ đi thôi. Các bạn phẫn nộ tới mức bảo không thèm đi xem phim nữa. Thật là một sự phẫn nộ… đáng phẫn nộ vậy. :D

Cái nhan đề của blog thực ra để viết một cái khác. Nhưng tạm thời thì chưa viết được. :) Vì hai lý do. 1) Bận. 2) Máy tính đã bị hỏng ổ cứng sau khi tôi vượt biên đi xem hàng quốc cấm. Việc này dẫn tới hai cái thuận lợi: 1) Có thời gian đọc sách và yêu. 2) Có thời gian đọc review sách qua… iPod. Hiện tại thì tôi đang mong được đọc cuốn này. Và có một chuyện thứ ba nữa, hoàn toàn không hay ho gì cả: Tôi sẽ phải viết lại và dịch lại nhiều thứ, từ đầu. Thật là “ngát” hết cả lên.

One thought on “Sự phẫn nộ của bầy cừu

  1. Lý do bị kiểm duyệt: Vì trình độ dân trí thấp nên dễ bị kích động bởi các cảnh bạo lực, tình dục không hợp với “thuần phong mỹ tục”.
    Câu hỏi 1: Trình độ dân trí thấp ở mức nào? Làm sao để nâng cao dân trí, để cho phép thưởng thức những tác phẩm như trên?
    Câu hỏi 2: Thuần phong mỹ tục là cái gì?
    Trả lời: 1) Trình độ dân trí thấp ở mức không thể xem được phim “The Hunger Games” sic!
    Để nâng cao trình độ dân trí thì trước hết phải cho xem vài cảnh bạo lực học đường, nữ sinh xé áo đánh lộn trước, để cho quen với bạo lực thực tế!
    2) Thuần phong mỹ tục là không được liếm ngực tiếp viên như trong cái phim gì mà làm xong rồi thì sinh viên điện ảnh phải xin lỗi (ăc)

    Like

Leave a comment