Three Times

Bỗng nhiên lại một lần nữa viết về Hầu Hiếu Hiền. Không có gì mới, vẫn là một cái đã cũ đem ra xài lại. Nhưng, khi xem lại Three times – vẫn thấy lại xúc cảm ngày xưa, sau khi đã xem bộ phim từ hơn hai năm trước. Cho tới giờ, đây là bộ phim duy nhất tôi chưa từng đọc một review nào, bởi vì tôi chưa bao giờ viết gì về nó cho trọn vẹn.

Chie đã vác về nhà bộ phim Le Voyage du Ballon Rouge. Nhưng tôi chưa xem – không phải vì không có thời gian, mà tôi chưa muốn làm quen với Hầu Hiếu Hiền trong một bộ phim “không châu Á”.

Trước đây, tôi không hiểu tại sao ngay từ bộ phim đầu tiên, tôi đã thích đạo diễn này tới thế. Nhưng, giờ thì tôi hiểu. Ông có quá nhiều thứ tôi thích, và tôi có: bi quan, cực đoan, muốn xây dựng về mọi thứ như hàng ngày nó vẫn diễn ra như thế, tình yêu trong sáng dành cho trẻ em, nỗi buồn rầu dành cho những cô gái đẹp – mọi cô gái… Hầu hết phim Hầu Hiếu Hiền đều khiến cho người ta có cảm giác như ông có thể bắt đầu từ bất cứ khi nào, cũng có thể kết thúc vào bất cứ khi nào. Nhưng, tôi cảm thấy cuộc sống vẫn như thế, trữ tình, buồn, cay đắng và kiềm chế, rối loạn… nhưng nó đẹp, và không ai muốn từ chối nó, dù người ta cứ đi, đi mãi, tìm kiếm mãi một cái gì, rời bỏ một cái gì.

Three times là bộ phim hiếm hoi của Hầu Hiếu Hiền thực sự nói về tình yêu. Tình yêu của ba thời đại. Tôi nhớ thầy NQL đã nói về bộ phim này. Thầy – từ cái nhìn của một nhà biên kịch – cho rằng kịch bản của bộ phim đáng vứt đi. Người ta không ai lại chia ba thời thành ba khúc như vậy, người ta có thể đan cài nó vào nhau. Nhưng, đến cả David Lynch cũng chỉ dám dùng chung diễn viên cho hai cuộc đời trong Mulholland Dr., Hầu Hiếu Hiền có những ba. Hơn nữa, ta không cần thiết làm cho bộ phim thành quá phức tạp và không hiểu được. Tuy nhiên, khi nói về nội dung phim, thầy nói: ở phần thứ nhất, bối cảnh năm 1966: tình yêu là khi người đàn ông đi tìm người đàn bà; ở phần thứ hai, năm 1911: tình yêu là khi người đàn bà chờ đợi người đàn ông ra đi chẳng biết khi nào quay lại… Nhưng thầy không nói về câu chuyện thứ ba, năm 2005. Tôi thì có thể nói nốt về câu chuyện này. Vào năm 2005, tình yêu đã chết.

Tôi sẽ làm một việc hết sức bần tiện là kể lại cho mọi người nghe từng phần một của bộ phim (bởi tôi đã cố bảo một vài người xem bộ phim này và họ chỉ xem hết phần thứ nhất và vứt toẹt nó đi). Tôi sẽ không viết về những thứ mà tôi đã viết quá nhiều về Hầu Hiếu Hiền như phá vỡ bố cục, sức biểu cảm của ánh sáng, long take, góc máy… Những cái đó, ai xem phim của ông đều đã biết, và cũng vì những thứ đó mà đa số người ta ngủ lăn quay khi xem phim ông, đặc biệt là với những phim A time to live, a time to die hay Flowers of Shanghai.

Người ta dễ phải lòng phần đầu tiên, câu chuyện tình năm 1966. Và đó hẳn cũng là lý do Hầu Hiếu Hiền đưa nó lên đầu tiên và gọi nó là A time for love, dù theo trật tự thời gian nó phải nằm ở giữa. Đó là những ngày hạnh phúc. Cô gái tới làm việc cho một quán bi-a, ở đó cô đọc được lá thư tỏ tình của người đàn ông dành cho một phụ nữ khác. Họ gặp nhau, chơi bi-a cùng nhau. Cô chuyển đi, anh nhập ngũ. Anh đi tìm lại cô qua bao nhiêu mảnh đất. Rồi anh tìm được cô. Họ gặp nhau, hỏi han vài điều giữa quán bi-a đông nghẹt, cô xin cho anh điếu thuốc, họ đi ăn tối. Anh lỡ chuyến tàu cuối cùng, và họ đợi chuyến xe muộn. Dưới mưa, tay họ tìm lấy nhau, không quá riết róng, nhưng đủ dịu dàng để nói một điều từ đáy lòng.

Với Hầu Hiếu Hiền, thập kỷ 60 hẳn là những ngày ông yêu nhớ nhất trong suốt cuộc đời. Nỗi hoài niệm của ông về những ngày này lặp đi lặp lại, lãng mạn, thanh bình. Ông sử dụng hai bài hát tiếng Anh nổi tiếng của những năm 60 cho đoạn phim này. Chúng không hẳn là hai bài hát ngọt ngào và vui vẻ, nhưng từ đó, người ta thấy được cảm giác của tình yêu pha với cảm giác nuối tiếc.

Tuy nhiên, bài hát khiến người ta nhớ nhất phim phải là bài hát của đoạn thứ hai, năm 1911 – A time for freedom. Đó là một trong hai cảnh có âm thanh duy nhất trong suốt cả một đoạn phim câm dài. Tôi biết Thư Kỳ không hát những lời này, nhưng khuôn mặt cô biểu cảm chân thực tới mức người ta thấy cô đang rung chuyển. Tiếng hát đó sầu thảm, da diết và run rẩy. Người đàn ông trong phim đó nói nhiều tới tự do, tới cuộc đấu tranh mà anh theo đuổi để giành độc lập cho đất nước, anh giúp đỡ một cô ca kỹ khác để cô ấy có được tự do. Nhưng, điều duy nhất anh quên là tự do của người phụ nữ yêu anh – và có thể là người phụ nữ anh yêu. Cô là con chim đẹp bị nhốt lại trong lồng, và anh đi vì tự do, để cô ở lại cái lồng đó.

Phần về năm 2005 mang lại câu chuyện khiến cho nhiều người rất yêu thích, nhưng cũng sẽ có nhiều người phản ứng, đó là A time for youth. Có một cô gái lưỡng tính – cô có (và đã từng có) bạn gái nhưng cô vẫn tìm tới một người đàn ông. Hình ảnh cô gái đó đứng bên cửa sổ, cô che con mắt sáng của mình lại và nhìn vào người đàn ông bằng con mắt gần như mù với tôi là một chi tiết không bao giờ quên được. Nhân vật Qing – tên cô gái này – luôn quay lại với tôi khi tôi nghĩ về một người bạn. Sự tồn tại của cô thực sự chỉ là một bàn tay bám hờ hững vào cuộc sống. Cô luôn phải đeo tấm thẻ ghi thông tin để người ta biết cách cứu cô khi đột quỵ, cô yêu mà không yêu, cô buồn trong mọi hoàn cảnh, cô hát những lời rạn vỡ. Cô không có quá khứ, không có tương lại, chỉ có một thực tại của “hunger”. Cô gái trong phim này còn bi đát hơn cả người cô gái trong Millennium Mambo. Tình yêu của cô với người bạn gái hay với người đàn ông thực ra đều không tồn tại, và như tôi đã nói, tới năm 2005, tình yêu đã chết rồi (và giờ đã là năm 2009).

Điều kỳ quặc với riêng tôi là tôi không đồng cảm với bất cứ câu chuyện tình nào trong ba câu chuyện tình kể trên. Nhưng, toàn bộ phim, cả ba cuộc tình đó, lại chia sẻ với tôi rất nhiều điều. Hình ảnh cuối cùng của phần thứ nhất, năm 1966 khiến tôi nghĩ tới câu hát của Phạm Duy “Đưa em về dưới mưa, nói bao nhiêu cũng thừa”… Và cô gái của năm 2005, với khuôn mặt cô buồn bã, hoang mang thành vô cảm khi ngồi sau chiếc xe của người đàn ông khiến tôi nghĩ tới mọi thứ đang diễn ra quanh mình, Hà Nội. Người phụ nữ của năm 1911, với nỗi đau khổ chuyển thành thanh âm của bài hát, với cách cô chu đáo chỉnh lại từng chiếc khăn sau khi kẻ khác dùng, cách chăm chút kẻ lại đôi lông mày, và cách cô không háo hức nhưng kiên nhẫn đọc lá thư của người tình đã bỏ mặc cô khiến tôi cảm thấy chữ “đẹp” được hiện lên thành hình ảnh.

Và tôi nghĩ, ngoài Hầu Hiếu Hiền ra, không ai có thể tạo nên ở tôi cảm giác đó.

Ngay cả khi Three times chưa từng đứng trong top 5 phim tôi muốn xem lại nhất.

Ai đập vỡ bảy viên ngọc rồng?

Bài đã đăng trên filmcriticvn.org

Một bộ phim dựa theo comic- manga, tiểu thuyết, truyện ngắn hay kịch vẫn là một tác phẩm độc lập và có tiếng nói riêng, tinh thần riêng. Những người làm phim Dragonball: Evolution có quyền nói thế, và thậm chí họ còn cảnh báo trước qua chữ “Evolution” (cải biên) kia. Nhưng, Bảy viên ngọc rồng gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu người, cá tính từng nhân vật trong tác phẩm cũng đã in sâu trong lòng họ, khi bạn muốn làm ra một bộ phim bom tấn từ bộ manga phổ biến tới thế, chắc chắn bạn phải biết cách giữ lại những yếu tố hấp dẫn nhất.

Tiếc thay, hãng 20th Century Fox đã làm ra một bộ phim không chỉ làm cho tất cả fan của Dragonballs nổi giận mà còn gây thất vọng cho tuyệt đại đa số khán giả bỏ tiền mua vé. Đây chắc chắn là bộ phim chuyển thể từ truyện tranh thất bại nhất trong năm nay và có thể là nhiều năm về sau. Với kinh phí 100 triệu USD (!!), Dragonball: Evolution là một sai lầm không thể cứu vãn nổi của những người làm phim.

Cho dù cả James Wong và Châu Tinh Trì đều tự khẳng định mình là fan trung thành của truyện tranh Dragonballs, nhưng kịch bản của bộ phim có thể coi là một mũi tên cong vẹo và lao chệch xa khỏi hướng. Toàn bộ câu chuyện trong truyện tranh đã không còn, tới mức người ta có thể tin chắc rằng tất cả những gì chứng minh rằng đây là bộ phim chuyển thể chỉ nằm ở cái tên DRAGONBALL và tên nhân vật. Người ta có thể đoán được, người viết kịch bản đã nỗ lực biến Dragonballs thành một bộ phim phù hợp với khán giả tuổi teen đô thị: Goku rời khỏi rừng xanh, đi học, gặp phải rất nhiều rắc rối với nam sinh khác, Chi Chi trở thành cô nữ sinh ngổ ngáo và một chuyện tình trung học tay ba… Tuy nhiên, những thay đổi này phá hỏng toàn bộ cá tính đặc trưng của Goku của truyện tranh và biến cậu thành một nhân vật tuy sở hữu sức mạnh nhưng có phần ngờ nghệch. Lựa chọn Piccolo trở thành nhân vật phản diện cũng là một sai lầm khác của người viết kịch bản, bởi lẽ tất cả độc giả đều ít nhiều yêu quý người anh hùng từ hành tinh khác Piccolo Jr. (con của ma vương Piccolo, một nhân vật theo phe chính nghĩa trong manga) .

Tuy nhiên, ngay cả khi sự thay đổi xuất thân và cá tính nhân vật ở trên được khán giả chấp nhận thì toàn bộ câu chuyện thiếu điểm nhấn và được xử lý thô vụng khiến người xem cảm thấy các nhân vật như đột nhiên bước ra từ nơi nào đó, tụ tập lại với nhau và cùng chiến đấu chống lại Piccolo; không ai thực sự có một tính cách hay năng lực (trừ tuyệt chiêu Kamehameha) đáng để người ta nhớ. Hành trình của bộ phim là cuộc lang thang thiếu lý thú của các nhân vật trên sa mạc để tìm ngọc rồng rồi kết thúc bằng một trận chiến với màn biểu diễn chủ yếu là đuổi bắt. Câu chuyện tình yêu của Chi Chi và Goku kéo dài quá lâu, nhưng rất tiếc tới phần cuối nhân vật Chi Chi bị bỏ quên hoàn toàn. Cách xây dựng kịch bản này có thể chấp nhận được với những bộ phim siêu nhân dành cho người xem dưới 6 tuổi, nhưng đối với khán giả của phim hành động cũng như fan của truyện tranh Dragonballs thì là một công việc quá ư dễ dãi.

Có vẻ như cảm thấy kịch bản dở vẫn là chưa đủ, việc chọn diễn viên cho bộ phim tiếp tục bồi đắp cho sai lầm chồng chất của Dragonball: Evolution. Quá trình tuyển chọn diễn viên cho phim diễn ra gần như khắp thế giới, thậm chí ngay tại Nhật Bản – quê hương của bộ truyện tranh và kết quả mang lại là một đội ngũ không thể giúp ai trả lời câu hỏi: Tại sao họ lại ở đó? Nhân vật Goku của Justin Chatwin có vẻ như không biết làm gì hơn là đi lại, gân cổ và đỏ mặt, không có một tính cách nào rõ rệt. Châu Nhuận Phát chỉ có thể trở thành một sư phụ Roshi to béo và nhạt nhẽo. Bulma được xây dựng như một thiếu nữ tài năng, xinh đẹp nhưng tất cả những gì Emmy Rossum thể hiện được chỉ là nhìn những viên thuốc biến thành xe máy, giương khẩu súng lên bắn hú họa và bỏ chạy…  Tuy nhiên, với một câu chuyện mà nhân vật không hề có một sự phát triển về tính cách nào thì các diễn viên cũng khó có thể tìm ra được đất diễn.

Bối cảnh được dựng lên trong Dragonball: Evolution cũng không chịu thua mức độ dở tệ và dễ dãi. Bộ phim không lựa chọn bối cảnh của truyện tranh mang tính giả tưởng cao mà lựa chọn hiện tại (để tạo ra được cảm giác chân thật và gần gũi, có thể). Nhưng, trong bối cảnh bình thường đó lại xuất hiện những hình ảnh giả tưởng được xử lý kém tinh tế khiến khán giả dễ dàng hình dung ra các chi tiết trong trường quay và những thao tác hậu kỳ. Thiếu nhất quán và cẩu thả có lẽ hai từ thích hợp nhất cho việc dựng bối cảnh trong phim này.

Điều duy nhất chấp nhận được trong Dragonball: Evolution là kỹ xảo. Nhưng, kỹ xảo đó chỉ có thể làm khán giả chấp nhận nó chứ không đủ tạo ra ấn tượng gì đặc biệt và khiến người ta phải nhớ về nó, thậm chí ngay cả tuyệt chiêu Kamehameha của sư phụ Roshi. Điều này khiến cho người xem phải hoài nghi về con số 100 triệu USD mà hãng 20th Century Fox đã công bố.

Bộ phim của Hollywood về bảy viên ngọc rồng lừng danh có thể phù hợp nhất với các khán giả chưa quá 7 tuổi, những người đã quen xem những series phim về các siêu nhân và các anh hùng qua màn hình nhỏ. Tuy nhiên, nếu bỏ bớt đi các cảnh chiến đấu và tìm kiếm, đây cũng có thể là một bộ phim tình cảm dành cho tuổi teen có thể xem được. Có lẽ, 20th Century Fox nên cân nhắc phát hành một bản dựng khác với việc lựa chọn đối khán giả phù hợp hơn và chắc chắn là họ nên trừ ra cộng đồng fan của Dragonballs.

Này thì Huyền thoại đắc tử

Cái này xem đã lâu, nhưng bây giờ mới viết (mỗi khi bị cuộc đời ép viết về cái khác, thì lại muốn viết về phim). Spoiler Alert!!! Trong bài này tôi sẽ kể tiệt tất cả những chi tiết đinh ra, nên ai không muốn đọc thì nghỉ nhá :).

Huyền thoại bất tử là bộ phim mà rất nhiều nhà báo chê không dám chê, mà khen cũng không dám khen (quá), trạng thái blank đó cũng là một cái tốt.

Tuy nhiên, từ giới thiệu của báo chí, thì tôi cũng biết phim này là hành động với một câu chuyện quằn quại. :D Điều này làm tôi hết sức kinh ngạc, bởi lẽ hiếm lắm người ta mới chiếu một bộ phim như thế trong những ngày Tết, tháng Giêng là tháng ăn chơi ở cả ta hay tây. Không ai có tâm trạng ra rạp xem mấy phim đánh nhau bòm bòm hay đau đớn, khổ sở cả – kể cả tôi. Tuy nhiên, vì có một bác đạo diễn nói rằng phim này hay nhất trong ba phim, nên tôi và vợ bác nhất quyết đi xem (và vì tôi xem Giải cứu thần chết rồi, nên tôi tin bác nói đúng, bởi Đẹp từng xentimét thì hỏng từ cái trailer hỏng đi, chắc chắn là tệ hơn Giải cứu thần chết).

Ngoài một tí: Từ khi xem xong Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh, tôi đã có luôn định kiến rằng đạo diễn này cầu kỳ, dài dòng và sến. Sự cầu kỳ của Lưu Huỳnh có lẽ cũng bắt nguồn từ nỗi lòng của nhiều đạo diễn ở Việt Nam hiện nay, muốn có đủ vật chất kỹ thuật để thực hiện tất cả ý tưởng về quay phim, ánh sáng. Khi đã có đủ rồi thì phải cố mà dùng cho bằng hết, đôi khi quá cả mức cần thiết. Nhưng thôi, còn hơn là không có ý tưởng gì. Tuy nhiên, khi vào rạp xem, tôi cũng cố bỏ cái định kiến đó ở bên ngoài, vì rằng đạo diễn ở VN cũng chưa có cơ hội làm nhiều phim, để kết luận về họ thì hẵng còn quá sớm.

Bộ phim này ai cũng biết cốt truyện cả rồi, và nói chung đó không phải là một câu chuyện dở. Câu chuyện về tình mẫu tử (Lưu Huỳnh có vẻ mê đề tài này), chuyện tình thương giữa những con người vô tình gặp nhau trên một hành trình rồi trải qua sóng gió cùng nhau, bảo vệ cho nhau chưa bao giờ cũ. Tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là cách kể chuyện quá ư là lượt thượt mà Lưu Huỳnh đã phạm phải từ Áo lụa Hà Đông. Đạo diễn (và cũng là nhà biên kịch) bỏ hết nửa thời gian ra để kể về nguồn gốc của nhân vật Long, đương nhiên nó góp phần giải thích về tính cách và quan niệm sống cũng như thực hành võ của nhân vật, nhưng nó dài, lặp lại ý ở quá nhiều cảnh. Chưa kể một cảnh đánh võ hết sức không cần thiết khi bà mẹ kể lại chuyện gặp Lý Tiểu Long mà chắc người ta làm ra nó chỉ để thỏa mãn niềm vui được quay cảnh đánh võ với mấy âm thanh yaaa bóp méo tiếng.

Thêm vào đó, dựng phim ở phần hồi ức và giải thích này cũng quá lúng túng. Chỉ có một hai cảnh các khớp nối từ hiện tại về quá khứ thực sự mềm mại và hợp lý, còn lại chỉ là nhảy tưng tưng từ một cảnh hiện tại sang một cảnh quá khứ mà không hề có một chút liên hệ nào. Tất nhiên, người ta có thể biết rằng đó là những hồi tưởng của Long trên hành trình, nhưng những mối dựng lỏng lẻo đó khiến những nỗ lực sử dụng lối kể chuyện đan xen “phơi bày ra ánh sáng” trước mắt người xem, khiến người ta cảm giác đó chỉ là một bữa nộm trộn thuần túy.

Có hai điều đáng tiếc ở diễn viên trong phim này, một ở diễn viên chính, một ở diễn viên phụ. Cái thứ nhất thực ra là ở nhân vật, sau từng đó biến cố, Long hầu như không có phát triển tính cách. Từ đầu tới cuối bộ phim, Long lúc nào cũng ra rả câu: không đánh người, chỉ tự vệ và tất nhiên bị đánh đập không biết bao nhiêu lần. Nhưng tới phút cuối cùng, khi thấy tên ma cô cầm con dao giữ chặt cô bé Trinh, anh ta vẫn lải nhải câu: Long không muốn đánh nhau với anh. Chỉ tới lúc gã kia đâm cô bé một nhát, Long mới nổi khùng lên. Vậy là tất cả những biến cố xảy ra trước đó, đỉnh điểm là khi tên ma cô đập vỡ cả cái lọ đựng tro cốt của người mẹ mà anh ta yêu thương tha thiết, chẳng hề tác động lên tâm lý nhân vật. Nó mâu thuẫn với những gì nửa phần trước mà người làm phim cố công thể hiện tình mẫu tử gắn bó.

Ở diễn viên phụ thì lại là một sự uổng phí. Rất nhiều cô gái xinh đẹp đã được cast vào để diễn những thiếu nữ miễn cưỡng đi làm gái. Rồi từ đầu tới cuối bộ phim, những gì họ thể hiện chỉ là một vài cái nhăn nhó hay mỉm cười. Khi ở trên thuyền, toàn bộ bọn du côn và tay ma cô đã bị đánh gục, họ vẫn như bầy heo quay xếp cạnh nhau, ụt ịt không cử động gì. Điều này đã lãng phí đi rất nhiều thứ như làm mất đi cảm giác bị chà đạp của các cô gái, làm mất đi không khí căng thẳng của cảnh quay, làm mờ đi nỗ lực khắc họa lại hiện thực về những cảnh đời trớ trêu và nhất là mơ ước của những con người dưới đáy (vốn là bối cảnh xã hội chính của Huyền thoại bất tử, và nó đã được khắc họa khá thành công).

Điều tôi ghét nhất ở phim này là những câu thoại trời ơi đất hỡi về Tết. Câu thoại như Tết tới rồi, năm hết Tết đến rồi… được ấn vào miệng diễn viên, bất chấp tình huống bối cảnh và chỉ đơn thuần là vì phim này sẽ chiếu Tết. Không hề có một tí gì gọi là không khí cho ngày lễ, thậm chí một tình huống giả để cái Tết trở thành điểm mốc cũng không có luôn.

Tất nhiên, bộ phim này có những thứ đáng ghi nhận. Cái này thì không nói nữa bởi ai cũng có thể đọc những lời khen về bộ phim này ở khắp mọi nơi.

Chỉ có một điểm đáng kinh ngạc hơn nữa là Huyền thoại bất tử có thể dễ dàng qua cửa kiểm duyệt? Cái này làm tôi nhớ tới Xích lô của Trần Anh Hùng, bởi vì hai bộ phim này đều nói về gangster, gái điếm, bạo lực và sự quan liêu của hệ thống bảo vệ pháp luật. Cả một cảnh ăn cướp giữa ban
ngày ban mặt, kẻ cướp chạy rầm rầm ở đường, mà không đứa nào bị bắt – thay vào đó là Long bị xích cổ tay đưa vào đồn. Thậm chí trong phim này, tình thương mến thương của bộ máy hành pháp cũng được đem ra làm trò cười.

Và rồi, một xu hướng âm ỉ bên trong khi một gã khùng cũng cứ mở miệng ra là đi Mỹ, đi Mỹ và ở cuối phim, ở sân bay Đà Nẵng, hai người đứng trước thanh chắn cấm xâm phạm và chữ Stop. Ở phía xa rất xa, nơi những chiếc máy bay bay lên, pháo hoa nổ tưng bừng.

——————–

Note 1. Đi xem phim này xong lại còn được đi uống cà phê với các bậc thầy cô nên thiện cảm dành cho nó tăng lên (cho dù không được thể hiện trong bài viết). Nhân uống cà phê lại biết thêm rằng Chuyện tình xa xứ dở miễn bàn, nên chắc vài bữa có công chiếu tôi sẽ đi xem sao.

Note 2: Tinh thần lại xuống dốc do bị nhiệt trong miệng. Không hiểu sao tôi hay bị cái này ghê. Có thuốc nào hạ nhiệt trong người thì uống mấy tuần cho oách.

Note 3: Vừa xem mấy phim Nhật hay quá, khi nào rỗi rãi thì nói tiếp. Isatoru (tức là Install) dựa theo tiểu thuyết của Risa Wataya thật là nippon tới mức mình xem cứ cười lăn lóc, dù ý tưởng thì cực hay (em Risa nói chung là trong sáng, ngược hẳn lại với em Hitomi Kanehara).

Note 4: Các bạn muốn tặng gái sách Valentine thì tớ khuyến khích cuốn Nơi cuối cầu vồng của Cecelia Ahern – kiểu như con đường anh đi rồi sẽ đưa anh về bên em, hay người yêu nhau sẽ về với nhau hay yêu thì nói quách nó ra không thì già mất… Đại để thế. Giá bìa hơi chát 80.000 (nhờ tớ mua hộ thì còn 56.000).

August 25, 2008

Bạn em thông báo, cuối tháng Chín này là sinh nhật nó. Vậy là em giật mình, đã tháng Chín rồi. Lại hết tháng hết năm, mà em thì vẫn nằm lăn quay xem phim và nuôi cá cảnh. Việc ốm đau làm em sinh ra lười biếng, khi nào em cũng nghĩ xem nếu khỏe lại thì em làm gì đầu tiên. Ờ, em thi Toefl đầu tiên! Quanh đi quẩn lại, thế là đã qua tháng Sáu của 2006 những hai năm rồi, người ta bảo thời gian như bóng câu qua cửa, thực ra em thích ngồi trên lưng con ngựa đó, đứa nào ở trong cửa kệ xác nó.

Bạn em nói cuối tháng Chín không phải để đòi quà, ý nó là em và nó cùng cung Thiên Bình. Em gái em rất hay xem bói toán trên mạng, tỏ ý ghen vì theo cả lịch Đông lẫn lịch Tây thì số em rất đẹp, cho dù nó cũng biết như em là chuyện đó hết sức nhảm nhí, cuộc sống do người ta tạo ra. Em bị ốm vì em sống không điều độ, thế thôi. Nhưng, em cũng phải công nhận là việc nhận xét tính cách theo cung Hoàng đạo khá thú vị, khá đúng. Nhờ đó mà em biết cách tránh xa những người nào có thể làm em nổi khùng. Em đã thề một lần là em không chơi với bất cứ một anh nào sinh trong cung Thiên Bình nữa, nhưng rồi em vẫn cứ dính líu vào họ, tất nhiên là em phải chịu nhiều ấm ức và bực mình và em kết luận em thích chơi với họ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà người ta có cái câu xấu máu thích ăn của độc, những gì nguy hiểm cho ta nhất cũng là cái ta thích nhất. Em nói với bạn khác rằng em chính là cơ hội của Chúa, bạn í không hiểu cái ý ngớ ngẩn của em muốn nói. Bạn ấy bảo theo ý của anh Nietzsche thì Chúa đã chết rồi.

Em đang phải rèn mình quay lại thói quen xem phim. Hôm nọ em vừa mới theo bầy đàn đi xem Mummy 3. Em rất phục các bạn Mỹ, tuy vị anh hùng (sống tại Anh nhưng nói giọng Mỹ) đánh tan xác cả Tần Thủy Hoàng, nhưng các bạn ấy hiểu rất rõ tinh thần đại đồng của các bạn Tàu. Anh Lý Liên Kiệt có thể biến thành rồng ba đầu kiểu Celtic bụng tròn ủng đuôi ngắn tũn, rồi có thể biến ra con Kỳ lân vô duyên kiểu Celtic luôn. Chưa kể chị Tử Quỳnh ban đầu còn đọc tiếng Phạn, về sau gọi hồn các bạn Tàu cũng bằng tiếng Anh. Thật là trăm họ vào một, em thực sự rất cảm kích và đoán rằng, khi nào xác ướp ở Peru sống lại, nó sẽ biến thành gấu trúc hoặc gấu Bắc Cực. Mà không hiểu sao anh Lý Liên Kiệt lại được chọn đóng Tần Thủy Hoàng, đôi mắt buồn của anh không có chút gian hùng nào, anh chỉ nên đóng vai tráng sỹ cô đơn một đi không trở lại mà thôi.

Tối hôm nay thì tiện thể xem trong loạt phim có mặt em Anna Paquin, em xem Almost famous – thật là lạc hậu này nọ. :)

Và bởi vì em Hisashi nhắc với em về I’m not there nên cả ngày hôm nay em lại ngồi xem phim này, lòng em vẫn lâng lâng vui sướng. Và tất nhiên em thích cả cái tagline của phim này All I Can Do Is Be Me Whoever That Is. Rồi, tất nhiên là câu nói này ai cũng thích, nhưng mà làm được nó thật là khó, đó là chưa kể rất rất nhiều người loanh quanh mãi vẫn chưa hiểu được họ là cái gì, và trở thành chính bản thân họ là trở thành cái gì. Và tại sao tên bộ phim là I’m not there, cho dù trên thực tế thì đây không phải là một trong những bài hát được yêu thích nhất của Bob Dylan. Hình như có lý giải cho chuyện này ở đâu đó? Bản thân em nghĩ thì rõ ràng là ông Dylan không có ở đó, một bộ phim làm dựa theo hình ảnh của ông ta, sử dụng nhạc của ông ta, thể hiện cho tinh thần của ông ta, nhưng ông ta không có mặt cụ thể, không hiện hữu, ngay cả ở những đoạn do Cate Blanchett đóng. Một bộ phim như thế này, với em thì hấp dẫn hơn rất nhiều so với cách làm như trong Walk the lineLa vie en rose.

Rồi, khi phim hết, em lại nghĩ tới bóng tối của màn hình chuẩn bị để credit hiện lên. Đen, tối, đen…

Hôm nay, Olympic Bắc Kinh đã hết, em tự hỏi chẳng biết người ta sống được qua mấy kỳ Olympic. Chẳng biết khi người ta tổ chức ở Luân Đôn thì em đang làm gì, em đã làm gì, em còn sống không, em đang ở đâu… Khi đó thì ai đó bây giờ là gì của em?

Tại sao phim lại cần sát thực? ;;)

Nhân bộ phim Vòng nguyệt quế trên VTV và những bài báo phản hồi một cách dồn dập trên các báo.

Sự phản ứng nổi lên từ những người đang làm những thứ ít nhiều liên quan tới nghề viết. Chỉ vì em bé Thủy Nguyên viết ra cái kịch bản mà trong đó nhân vật toàn dịch giả, nhà văn, nhà thơ… mà chả ai có tư cách hoàn hảo, tốt đẹp… và theo ý nhiều khán giả thì phim đó không sát thực, bôi đen, lăng mạ giới văn nghệ sỹ.

Những người phản ứng lại với sự phản ứng trên, thì cho rằng phim đó rất sát thực, bởi vì họ còn thấy những điều kinh dị hơn trong cuộc sống. Tôi thì đọc một số nhận xét ở các blog, nên tôi trình bày ra đây.

Thỉnh thoảng đi ngang cái tivi vào giờ vàng, tôi cũng kịp ngó xem bộ phim yêu quý kia ra sao (nhất là sau khi đọc những lời tranh luận). Tuy nhiên, vì không có lòng với phim truyền hình nên thường tôi không ngồi xem quá 5 phút (tôi ghét các chi tiết thừa, mà cái đó phim truyền hình VN thì hơi nhiều). Bởi thế, tôi không nói tới cụ thể Vòng nguyệt quế ở đây, tôi chỉ suy nghĩ về chuyện sát thực hay không sát thực trong phim.

Điều quan trọng đầu tiên của bộ phim là gì? Tôi nghĩ đó là sự hấp dẫn. Nhưng, với mỗi người, điều gì trong phim hấp dẫn họ lại rất khác nhau. Bản thân tôi không thích các loại phim như Transformer, không thích Star wars… Ngược lại, tôi có thể xem liền tù tì các phim mà máy quay cứ đứng yên ở một bối cảnh như của Hầu Hiếu Hiền hay Ozu hay Thái Minh Lượng. Một bộ phim thành công là khi nó thu hút được một số lượng khán giả, thất bại là khi không ai xem nó cả.

Nhiều khi, số lượng khán giả nhiều hay ít không phải mục đích chính của người làm phim, nhưng khi đã là phim truyền hình, thì số lượng khán giả càng lớn, càng thành công. Tôi sẽ quay lại với lời nói của ông Mechanic mà tôi từng nghe, khi khán giả nói rằng họ thích bộ phim nghĩa là họ được chia sẻ điều gì trong đó. Phim truyền hình luôn hướng tới một điều: cố gắng chia sẻ với khán giả nhiều nhất có thể. Và vì mức độ văn hóa, học thức cũng như nhu cầu giải trí của người xem số đông đó, sự chia sẻ của họ càng được thể hiện một cách giản dị, dễ hiểu càng tốt (Giản dị không có nghĩa là cứ phải bô lô ba la thành các loại câu than thở, triết lý chả ra cái gì).

Tôi đã từng viết trong một entry nào đó, sự chia sẻ trong phim có thể là sự đồng cảm hoặc có thể phim mang tới khán giả hình ảnh có màu cho giấc mơ không màu của họ. Tôi bỏ qua chuyện chia sẻ giấc mơ (cái để lý giải tại sao Batman, Spiderman hay thậm chí là những bộ phim kinh dị… dù không sát thực vẫn chia sẻ được với khán giả), tôi chỉ nghĩ về chuyện: sự đồng cảm. Một trong những điều mang tới cho khán giả sự đồng cảm là tính chân thực.

Vòng nguyệt quế có chân thực hay không, tôi không khẳng định. Nhưng, vì đây là bộ phim truyền hình về xã hội đương đại, không phải là khoa học viễn tưởng, không phải thần thoại, không phải kinh dị… và rõ ràng nó có tham vọng dựng lại tấm chân dung của giới văn nghệ sỹ hiện nay, nên chuyện khán giả đòi hỏi nó phải chân thực là hoàn toàn bình thường. Không thể so sánh cách nhận định nó với với cách nhận định về những bộ phim mà nhân vật là siêu nhân được.

Tất nhiên, tôi cảm thấy buồn cười khi đọc phải những câu như: phim này không xây dựng được hình ảnh nhà văn nhà báo có tư cách, con gà mái, con gà trống, nhân văn ,đậm dân tộc đặc bản sắc… blah blah…

Nhưng, như thế nào là chân thực?

Cái đó, tôi sẽ viết sau, giờ thì đang ê cả hông vì kê máy tính quá nhiều lên bộ xương có bao nhiêu đốt giơ ra cả rồi. :) Và cái sự viết này phải vài ngày nữa mới được thực hiện. :D