Tôi sẽ không bao giờ đi qua tuổi mới lớn

Một buổi chiều nọ, tôi nói điều này với một người bạn.
Có những trải nghiệm tôi đã nếm bao nhiêu lần rồi, tôi vẫn muốn nếm trải lại, cứ như thể tất cả những tò mò, hiếu kì và hồi hộp trước thế giới không bao giờ biến mất. Và tất nhiên, cả sự dại dột, bốc đồng và cả tin.

Từ lúc đi chơi về, tôi đã viết dễ phải đến mấy chục trang giấy về những cảm xúc tôi đã trải qua trong thời gian đi. Phần lớn trong số đó không liên quan gì đến nơi tôi đến chơi. Quãng thời gian đi ấy, tôi bỗng nhiên có quá nhiều thời gian trống. Tôi đứng đợi tàu nhiều, tôi ngồi tàu nhiều, ngồi xe ô tô nhiều, đi bộ nhiều. Tôi nhận ra lâu lắm rồi tới mới được nghĩ, và lâu lắm rồi, tôi mới có thời gian để suy nghĩ, về mình, sự tồn tại của mình, ý nghĩa của những gì mình đã làm, và sự lười biếng và cũng như phí hoài mình luôn tự thấy mà chưa bao giờ vượt qua được, giờ phải vượt qua bằng cách nào…

Tôi quá cảnh ở sân bay Phố Đông. Nhìn ra ngoài, bầu trời ở Thượng Hải buồn rũ rượi. Thiết kế của tòa nhà sân bay cũng y như cách con người ở đây đối xử với hành khách, hàng trăm mũi tên đang lao xuống. Và khi ấy, tôi nói với mình: This is the end of everything. Cái everything ấy, tất nhiên không phải là “everything” theo nghĩa đen. Nó chỉ là cái kết của những gì tốt đẹp nhất mà tôi, bằng mọi cách, đã đấu tranh với chính mình để giữ lại trong một mối quan hệ. Đến một ngày, tôi ngừng, và tôi để nó đi mất.

Chúng ta thường vẫn hay nghe nói, người ta sẽ không biết quý trọng những gì mình có, cho đến khi nó mất đi. Nhưng thực ra, điều ấy không có nghĩa rằng, chúng ta sẽ quý trọng nó, kể cả khi nó đã mất đi. Ta sẽ quý trọng điều ta quý trọng, nhưng không phải lúc nào điều ấy cũng đáng được quý trọng. Trong cuộc đời mỗi người, có quá nhiều thứ để người ta phải quý, và ta buộc phải chọn, hoặc bản năng của ta chọn. Đôi khi, học được cách chấp nhận điều ấy cũng khá nhiều mệt mỏi.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn ta sẽ hối tiếc, đó là tuổi trẻ.
Tôi bảo với bạn: “Tớ có cảm tưởng tớ sẽ không bao giờ đi qua tuổi mới lớn.” Thế nhưng đó chưa hẳn là một lời than thở. Nhiều khi tôi cảm thấy mình quanh quẩn mãi với những điều mà các bạn tôi đã trả lời được từ lâu. Phần lớn lúc khác, tôi thấy việc mình bị kẹt lại ở tuổi mới lớn cho tôi sự miễn nhiễm với cảm giác về sự kết thúc. Tôi hiếm khi nào có cảm giác đây là lần cuối cùng tôi làm việc nào đó, kể cả việc nói lời từ biệt.

Và tất nhiên, tuổi trẻ cho ta cảm hứng để kiếm tìm. Tôi nghĩ cảm giác chúng ta tìm bản thân mình qua việc đọc một ai đó, nghe một ai đó, học với ai đó hay bằng việc yêu một ai đó, ngủ với một ai đó… là một thứ quá phổ quát, đến nỗi nhiều khi tôi tự hỏi, làm thế nào để thoát ra khỏi việc này đây?

Tôi vẫn nhớ, cảm giác khi xem bộ phim rất cù lần và mệt mỏi về tuổi trẻ tên là Plum Blossom – nghe cái tên là đã biết nó nói về tuổi trẻ (và dù nó cù lần như thế, nhưng nó không hợp với các em còn bé tuổi đâu). Bạn tôi khi ấy nói: “Này, tại sao con người lại phải đi qua tuổi trẻ một cách mệt mỏi như thế nhỉ?”. 6 năm sau khi xem bộ phim ấy, tôi đã quên hầu hết các chi tiết về nó. Tôi chỉ nhớ chi tiết cuối cùng y hệt như Rừng Nauy, chàng trai kia đi lạc đường mãi, cuối cùng nhấc điện thoại lên gọi về cho cô gái vẫn chờ chàng ta quay trở lại, với sự ương bướng kì cục của mình. Thế nhưng, tôi nhận ra rằng hầu hết chúng ta sẽ không gọi cho người ta muốn gọi vào khoảnh khắc tuổi trẻ kết thúc. Và hầu hết những người chờ rồi sẽ không chờ nữa.

Khi nói với bạn về chuyện tuổi mới lớn của tôi sẽ không bao giờ qua, tôi lại nhớ về chi tiết chiếc điện thoại ấy. Và tôi muốn nói với bạn rằng sự gặp gỡ chúng ta đây, hay sự gặp gỡ của chúng ta với bất kì ai, luôn là sự tìm kiếm vô vọng chính mình qua một người khác. Những cuộc trò chuyện giữa chúng ta sẽ luôn là cuộc trò chuyện với chính mình cho đến bất tận.

Tuy vậy, tôi không nói với bạn tôi những gì đang trôi qua trong đầu tôi lúc ấy, vì tôi muốn kéo ngược mình ra khỏi cuộc tìm kiếm của tất cả mọi người. Và khi ấy, tôi thấy mình già đi.

Sự không nói, sự không ám ảnh, sự thản nhiên bất chấp mọi thứ đổ vỡ trong lòng mình, là dấu hiệu mình già đi. Điều ấy, nhiều khi cũng buồn lắm, chứ chẳng phải đùa đâu.

4 thoughts on “Tôi sẽ không bao giờ đi qua tuổi mới lớn

  1. Reblogged this on phatht and commented:
    “Tuy vậy, tôi không nói với bạn tôi những gì đang trôi qua trong đầu tôi lúc ấy, vì tôi muốn kéo ngược mình ra khỏi cuộc tìm kiếm của tất cả mọi người. Và khi ấy, tôi thấy mình già đi.

    Sự không nói, sự không ám ảnh, sự thản nhiên bất chấp mọi thứ đổ vỡ trong lòng mình, là dấu hiệu mình già đi. Điều ấy, nhiều khi cũng buồn lắm, chứ chẳng phải đùa đâu.”

    Bài này post ngay vào sinh nhật 27 tuổi của mình, và dường như diễn tả gần giống với tâm trạng lộn xộn lúc ấy của mình :)

    Like

Leave a comment