Người Phàm (Everyman) – Philip Roth

Tôi khởi sự bằng việc đọc the Human Stain của Philip Roth để xem bộ phim chuyển thể đã sai lầm như thế nào. Nhưng, tôi không đọc được nhiều lắm thì dừng lại, bởi vì trong lúc ấn nhầm nút của cái máy, tôi đã mở ra Người phàm (Everyman) bản dịch của Nhã Nam và đọc nó mãi. Thật buồn cười là bây giờ tôi mới có 27 tuổi, trong khi nhân vật trong chuyện đã xấp xỉ bảy mươi (hay hơn) – tôi còn chưa bằng tuổi ông ta khi ông ta kiếm được triệu đô đầu tiên… nhưng tôi lại thấy mình trong ấy.

(Đừng đọc đoạn này nếu không muốn biết trước câu chuyện)

Nhân vật được mặc định là “ông” – con trai ngoan ngoãn của một chủ tiệm kim cương, nhẫn, đồng hồ… lớn lên thì trở thành Art Director của một công ty quảng cáo lớn, bỏ người vợ thứ nhất và hai đứa con trai để đi theo Phoebe – người phụ nữ dịu dàng, kiên định, tuyệt vời – sau đó lại tiếp tục lừa dối bà cùng đứa con gái hoàn hảo vì nhu cầu nhục dục với một cô người mẫu nóng bỏng, kẻ sau này trở thành vợ thứ ba rồi cuối cùng cũng li dị nốt. Ông ốm đau bệnh tật, trong vòng bảy năm liên tiếp, mỗi năm một lần lại phải vào bệnh viện phẫu thuật động mạch… và cuối cùng chết sau lần phẫu thuật thứ bảy. Khi cuốn sách bắt đầu, thì ông đã chết rồi.

(Hết phần đó, nhưng nếu vẫn không muốn biết thì đừng đọc nốt phần ở dưới :D)

Tham vọng của cuốn sách thể hiện rõ ngay ở cái tên: Everyman. Một con người, nhưng đại diện cho tất cả những con người khác. Nếu tóm lại như các bạn Tàu thì nhân vật trải qua đủ bốn thứ như tuyệt đại đa số nhân loại: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Và, từ cuốn sách này, tôi tự hỏi: Có phải hối tiếc, dằn vặt, hờn ghen và hằn học là thái độ của người già ốm yếu nhìn ra thế giới hay không?

Nhân vật chính sinh ra trong một gia đình đầm ấm, có một người cha tốt, một người mẹ tuyệt vời (cả hai đều sống thọ) một người anh trai hoàn hảo cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong gia đình ấy, hóa ra ông lại là người kém may mắn nhất khi phải vào phòng phẫu thuật lần đầu tiên khi hẵng còn bé tuổi. Rồi từ khoảnh khắc ấy, cho tới những rối loạn sức khỏe về sau, ông trở nên ghen tức, đố kỵ với sức khỏe của người anh. Và rồi dù ông không thừa nhận, người ta cũng cảm thấy ông ghen tức với cả sự hạnh phúc mà anh trai có. Ông chua chát nhận ra rằng, dù sự đố kỵ ấy có cay đắng như thế nào, thì việc duy nhất anh trai ông có thể làm với sức khỏe của ông ta là: tận hưởng. Người ta không thể chia sẻ với kẻ khác cái họ có sẵn trong bản thể mình được. Tôi nghĩ tôi thấy đồng cảm, hay có lẽ mọi người sẽ thấy đồng cảm là bởi chúng ta đều luôn luôn so sánh và nhận ra có một kẻ bên cạnh mình có hầu như tất cả mọi thứ, còn mình thì không. Sự đố kị ấy lúc giấu mình đi, lúc hiện ra nhưng dẫu sao thì nó vẫn có sẵn ở đó. Và rồi có thể, ông đang đố kị với chính mình, với mình trong quá khứ.

Nhân vật của Philip Roth đi qua cả cuốn sách với sự nuối tiếc và ân hận.  Ông hối tiếc với gần như tất cả mọi thứ. Thời thanh niên, ông rời bỏ nhiệt huyết sáng tạo nghệ thuật của mình để trở thành một người đàn ông “làm ra tiền” – một nhân viên cao cấp mẫn cán ở một công ty nổi tiếng – như cha mẹ kỳ vọng. Rồi sau đó, ông hối tiếc vì mình đã không dám làm theo đúng như gì mình mơ ước. Ở độ tuổi trung niên, ông bất chấp trách nhiệm, liêm sỉ và tình yêu với người vợ và đứa con gái hoàn hảo để chạy theo sự hấp dẫn tính dục của một (hay hai) cô gái trẻ nồng nàn. Tới lúc cuối đời, ông biết đó là sai lầm tệ hại nhất của cuộc đời mình, bởi khi rời bỏ họ, ông đã đánh mất mọi thứ để bảo vệ mình khỏi cô đơn. Vậy đấy, dù sao thì người ta cũng hối tiếc, bất chấp bạn sống vì mong mỏi của người khác, hay bạn sống vì mong muốn của mình. Cuộc sống của ông, hay của “everyman” luôn tràn ngập những sai lầm – nhưng giả sử nếu ta biết trước được rằng ta sẽ hối hận về sau này, thì lúc này ta có ngừng phạm những sai lầm đó hay không? Không, bởi làm ngược lại thì ta lại hối tiếc theo một kiểu khác. Đó là công việc của sự tồn tại: phạm sai lầm để sau này có cái mà băn khoăn, tiếc nuối.

Ông có chừa ra một chỗ cho sự vừa lòng – việc lựa chọn bà Phoebe, người phụ nữ không có gì hấp dẫn về nhan sắc, nhưng thế giới tinh thần thì trong sáng, ấm áp và tràn ngập tình yêu. Nhưng, kéo theo đó, là nỗi thù hận của hai đứa con trai với người vợ đầu dành cho ông – một nỗi đau và vết nứt ông không có cách nào hàn gắn được, và cuối cùng ông giơ tay đầu hàng, khi miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa bởi họ không thể thông cảm. Ông đã chỉ làm những thứ y hệt họ đang làm thôi. Xét cho cùng, mọi người đàn ông – mọi con người – đều giống nhau, làm những thứ y hệt nhau, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể thông cảm với những hành đông-y-hệt-mình của người khác.

Tuy nhiên, nỗi hối tiếc lớn nhất lại chẳng phải là ở tất cả những điều trên. Có lẽ, với nhân vật chính, nỗi nhớ nhung, tiếc rẻ nhất lại là ở chính mình – ở tuổi trẻ và sự tráng kiện đã đi qua. Khi người ta bận rộn sống, bận rộn với sự trẻ, bận rộn với khao khát và sức khỏe – thì đồng thời người ta đang chết, đang già, đang sẵn sàng đón đầu cho những khao khát không thể thực hiện và sức khỏe đang rời khỏi mình. Và đó, cũng là việc của sự tồn tại. Rồi, trong khi thể xác kiệt quệ với bệnh tật, người ta nhìn về cái chết – hóa ra nó cứ diễn ra đều đặn – cho tới một lúc nhìn quanh, ông nhận ra xung quanh mình chẳng còn mấy người thân thuộc còn sống. Chẳng còn ai sống – bất kể họ đã là những người tốt đẹp hay xấu xa, tỉnh táo hay tâm thần, mạnh mẽ hay yếu ớt… Cuộc đời của người đàn ông này – hay của everyman – dù khởi đầu và tiến triển ra sao, cuối cùng chỉ tiến tới cái chết – một mình. Để chuẩn bị cho điều đó, ông đã có nhiều năm cô đơn, quan sát cái chết từ trước – nhưng kể cả cô đơn, thì sống vẫn là sống, và chết là không gì hết.

Tôi có đọc trên wikipedia rằng nhân vật trong Everyman có rất nhiều điểm tương đồng với Philip Roth. Nhưng tôi tự hỏi: thì sao? Chẳng phải nó cũng giống với chính tôi? Khi chúng ta đều lớn lên, trải qua những lựa chọn, những sai lầm, những oán trách, tình yêu, những giây phút điên rồ… để sau đó tới lúc già, ta sẽ có thứ mà hối tiếc, mà mong mỏi rằng ta được làm lại từ đầu, nhưng ta chẳng làm được gì khác ngoài chuyện dần trở nên cô độc, nhìn người khác bận rộn với cuộc đời họ, tận hưởng thế giới riêng của họ và ta chẳng còn đóng vai nào trong đó nữa. Rồi cuối cùng, như tất cả mọi người, ta chết. Thế là xong một sự tồn tại.

Vậy nên, như nhân vật của Roth đã nói:  “It’s best to give while your hand is still warm.”

5 thoughts on “Người Phàm (Everyman) – Philip Roth

  1. em thấy những ai đang “down in the dumps” đọc quyển này là liều thuốc hữu hiệu. giống như em vậy

    Like

Leave a comment