Chuyện con mèo dạy hải âu bay

Bài viết Promotion, có thể cho là thế. Cho dù, với tôi thì cuốn sách này chả cần phải promotion lắm.

Một cuốn sách mà trước đó không phải ai cũng biết tới nó, cũng như không ai thèm quan tâm tới văn học Chi Lê. Ngay cả tôi. Vì một tai nạn ngẫu nhiên, thứ tai nạn nghề nghiệp của bọn agency lắm công nhiều việc, mà tác giả được giới thiệu. Tôi mê cuốn sách ngay từ khi nhìn thấy bìa của nó, cái bìa của Chris Sheban. Con mèo Zorba trong đó nhìn ngố vật, cuốn sách này sau đó được huy chương vàng cho minh họa của Society of Illustrator. Tất nhiên, các bạn không có cơ hội xem những tấm minh họa này, thay vào đó, là một minh họa khác cũng đẹp không thua kém và hàng Việt Nam.

Tóm tắt cốt truyện này có được nói tới ở đây, nên tôi không nói nữa.

Điều tôi muốn nói về cuốn sách này không phải là chuyện dịch diếc hay chuyện nó nổi tiếng tới đâu. Tôi chỉ nói về cách người ta viết cho thiếu nhi.

Luis Sepúlveda là nhà văn của người lớn. Ông có một cuộc đời nhiều biến động, hoạt động chính trị tưng bừng và chịu nhiều khổ cực, nhưng cuốn sách này được viết ra khi ông đã già. Tôi có thể tưởng tượng ra được cuộc sống của ông khi đã an bình, trong nhà nuôi một con mèo đen, to đùng, mập ú cũng có tên là Zorba. Cuốn sách này, ít nhiều cũng có ý vị của một người đấu tranh cách mạng và hướng tới tự do, câu nói: “Chỉ những kẻ dám mới có thể bay” là một câu quan trọng trong tác phẩm, nhưng nó chỉ là một phần.

Trong kho sách thiếu nhi của công ty Nhã Nam, có lẽ đây là cuốn sách có tính giáo dục nhất (theo tiêu chí của các phụ huynh mẫu mực), không có đứa trẻ nào hay ăn vạ như nhóc Nicolas, không đứa trẻ nào hay bắt nạt bạn như thằng bé Cedric, không có đứa trẻ nào hay văng bậy như con bé Junie B, không có con bé ngổ ngáo nào như Pippi… Cuốn sách này có một con mèo sạch sẽ và biết cảm ơn, có một con mèo biết sắp xếp các vụ lộn xộn, có một con mèo trợ tá luôn đầy ý tưởng trong đầu, một con mèo mọt sách say mê tìm hiểu kiến thức, một con mèo từng vượt sóng vượt gió kiêu hãnh… Và vấn đề chính là ở đó, chúng có tính cách riêng biệt – không con mèo nào giống con mèo nào. Tất cả chúng nó đều có ưu điểm, nhược điểm, đều hơi ngố ngố, ngây thơ giống trẻ con và cũng hay tỏ vẻ, đều có tấm lòng tốt và đoàn kết nhưng không con nào có biểu hiện giống con nào.

Điều tác động lớn lên tôi từ cuốn sách này (tôi chắc chắn rằng nếu có con thì đây là cuốn sách dài đầu tiên tôi đọc cho nó nghe) là bài học về sự độc lập. Bọn mèo rất gắn bó và đoàn kết, nhưng điều chúng mong muốn không phải là tạo ra một con hải âu lai mèo và ở với chúng. Trái lại, chúng luôn muốn con hải âu trở thành một con vật riêng biệt, độc lập, không lệ thuộc vào bọn mèo, và tất nhiên – phải bay. Và mọi đứa trẻ, dù sinh ra như thế nào, điều quan trọng nhất không phải là tìm được một nơi ấm thân nương náu, mà phải bay và làm chủ bầu trời của mình.

Cuốn sách này tất nhiên cũng rất hài hước, và bọn mèo chê trách đám con người không ra làm sao cả. Tất nhiên rồi, loài người làm ô nhiễm biển, lợi dụng trí thông minh của các loài khác để mua vui và ngay cả khi họ yêu thương con vật nào đó quá đà, họ cũng dễ làm hỏng việc. Đám người trong mắt bọn mèo thật ngốc nghếch, nhưng nhờ thế mà ta mới yêu mèo biết mấy.

Và cuốn sách này, là một cơ hội để tôi thấy một người bạn có tài, và cũng là một cơ hội cho tôi thấy khi người ta yêu một việc gì thì người ta có thể làm mọi thứ vì nó hăng say ra sao. In love we trust! Tranh minh họa cho cuốn sách này là một trong những hình minh họa Việt Nam thú vị nhất mà tôi từng thấy, thậm chí trong đó tôi còn thấy hiển hiện cả tình cảm dành cho mèo, cho hải âu và cho câu truyện.

Một lần làm việc, là một lần người ta thấy nhiều hơn về cuộc sống :).

Trong những ngày không có ai nói chuyện

Confession of Moonie Mun

Hôm nay đi với H qua đường Khâm Thiên, mới nhận ra là… ờ, ở đây có rạp chiếu phim. Lâu lắm rồi, cứ tưởng tượng đi xem phim tức là đi xemở Mega, quên tiệt mất sự thật rằng ở HN còn rất nhiều rạp chiếu khác. Mà thực tế thì, những rạp chiếu nhếch nhác kia phù hợp với mình: đầu bù xù, người ngợm tí tóe lại còn hay đi xem một mình.

Hôm nọ nghe chị P nói, không có ai xem phim cùng chị. Mình cũng rứa, cơ mà việc mình xem phim một mình quen quá rồi, đâm ra chưa từng nghĩ là xem hai mình có thích hơn một mình không. Bởi thực tế thì mình chỉ đi xem hai mình và nhiều mình với những bộ phim te te cười rồi té về. Trước đây, mình một mình ra cái rạp sinh viên chẳng đạt được một tiêu chuẩn bé tí nào về chiếu phim, xem từ Gái nhảy, Lưới trời, Người Mỹ trầm lặng… mà thấy rất sung sướng – sung sướng hơn cả việc ngồi trong Mega Stars, có cả bỏng ngô nước ngọt, âm thanh sexy và không phải nghe thuyết minh, thậm chí mình còn chưa bao giờ viết được một bài review nào thấy đã như khi mình viết về Người Mỹ trầm lặng cả.

Mình chính ra đi xem phim toàn với gái, hoặc giai và gái.
Khi nào mình đi với một giai, thì thường là giai đó sẽ tằng tịu với mình. Nên mình rất ngại khoản rủ giai nào không có tiềm năng đi xem phim =)).

Vậy nên, chuyện hôm nay đi ngang qua rạp chiếu – nơi mà mình từng xem Nụ hôn thần chết một mình ở đó – khiến mình bâng khuâng bồi hồi một lúc, như thể nhìn thấy lại toàn bộ câu chuyện phía trước, từ lần đầu tiên mình đặt chân vào một rạp chiếu ở Hà Nội, lần đầu tiên mình đi xem một mình và lần đầu tiên mình đi cùng với một giai… Kết luận, mình không thích đi xem rạp cùng ai đó bằng xem một mình, bởi vì mình không có thói quen bình luận về bộ phim mình vừa xem. Mình thường im tịt, và vài ngày sau mới có thể viết về nó. Nếu mình nói được ngay thì có nghĩa là bộ phim đó dở tới mức mình không nhịn được. Chỉ cần có một chút ưng ý thôi, mình sẽ không viết.

Việc xem một bộ phim, rồi sau đó có thể ngồi bình luận về nó là một chuyện hiếm như kiểu bác Khuyến ngày xưa uống rượu phải có bạn hiền. Ban đầu, mình có thể nói về bộ phim kiểu tán láo, thao thao bất tuyệt với những người khác, nhưng càng lúc mình càng không thích chuyện đó nữa. Trước hết là vì, mình không thích bàn tán với những người không có quan điểm gì cả, chỉ nói theo những gì người khác nói, mà những người khác đấy, họ lại chẳng có thời gian để tán láo cùng mình. Thật đáng tiếc! Tiếp đó, mình thấy mình chưa xem được bao nhiêu, biết gì mà nói cho lắm thế.

Lần gần đây nhất đi xem phim mà thấy vui là ở viện Geothe với H và sến đại ca. Sến đại ca cười lăn lóc (đúng nghĩa) ở những chỗ thiên hạ chỉ cười vừa vừa và chả cười gì ở những chỗ người khác vẫn cười hô hố. Những chuyện này ghi rõ ở trong mình – như âm thanh của tiếng vỗ tay gượng gạo khi phim kết thúc, cả ở trong phòng chiếu Giải cứu thần chết của Nguyễn Quang Dũng hay Head – on của Akin. Đi xem phim với người sau đó có thể nói về bộ phim đó cho người khác và cho mình nghe cũng là một niềm vui, bởi vì mình không cần phải nói gì, mà lại có chung bầu không khí với người đang reviewing trước mặt.

Mình vẫn chăm chỉ xem phim download trên mạng, thứ nhất là vì mình dễ tính và máy tính của mình màn hình bé tí nên chẳng phân biệt nổi DVD thật hay rip, thứ hai là vì quá nhiều phim mình muốn xem mà không đâu bán. Nói chung, mình khá thiếu tử tế, nhưng xét cho cùng DVD lậu thì khác gì phim download. Nói chung nữa, dù mình làm ở cái phòng ca ngợi việc tuân theo luật sở hữu trí tuệ, nhưng mình vẫn nghèo kiết xác ra, nên đôi khi vứt toẹt cả đi, xong.

Anh D bảo mình sống trong tháp ngà lâu quá, không chịu bước vào đời sống. Có lẽ anh nói đúng, mình nên bước vào đời sống một tẹo, đời chẳng dài lắm, không làm đi thì bao giờ làm? Già xừ mất rồi! Mô phật! Mình đã nghĩ tới việc nếu mình không làm việc gì liên quan tới gõ máy tính, thì mình nên làm gì? Có lẽ là bán DVD, từ lậu tới xịn, mình sẽ bán tất.

Hôm nay nhận được sách gửi từ bạn Ớt, vui điên lên được. Lâu lắm rồi, ngoài sến đại ca tặng sách vì mình nhẵng nhẵng đòi và bạn butchi tặng mình sách vì muốn nói kháy mình ra, chẳng ai tặng mình sách nữa cả. Hơ, cuốn sách của sến đại ca thực ra mới sờ tới hai lần (đồ lười) và cuốn của butchi tặng đọc một đêm là xong, thấy buồn khủng khiếp. Còn hai cuốn của bạn Ớt, mình vừa mang ra đọc vang cả nhà (may quá, chỉ còn lại một mình), thấy yêu cái giọng tiếng Anh khi cố phát âm tử tế của mình ghê. Tết này, chỉ mang một cuốn sách về là đủ.

Tôi yêu Việt Nam

Tên entry là tên một bộ phim.

Tôi xem 10 bộ phim tài liệu của các em bé ít hơn 18 tuổi làm. Ít nhất trong số đó có 2 phim tôi rất thích. Hình như thứ bảy này chúng sẽ được chiếu cho mọi người xem.

Có một bộ phim tên là: Nếp nhà

Phim nói về gia đình của một người phụ nữ làm nghề dọn vệ sinh, có hai con trai. Điều thành công là các bạn làm phim chọn được một đối tượng cực kỳ tốt để quay. Dù phim không dài, không có lời dẫn, người phụ nữ đó vẫn có thể cho bạn thấy bà mạnh mẽ, bản lĩnh như thế nào trong cuộc sống. Bà không nói về mình, về sự vất vả của mình hay về sự khó khăn trong nuôi dạy con.

Tuy nhiên, qua những câu chuyện và qua lời nói của đứa con, bạn vẫn có thể thấy cuộc sống khó khăn mà bà phải đối mặt cũng như tình yêu của bà dành cho con. Và điều quan trọng là những đứa con đã lớn lên, độc lập và trưởng thành, thấu hiểu được sự vất vả của mẹ và trân trọng công việc mẹ đang làm.

Ờ, có thể đó là hình ảnh điển hình cho phụ nữ VN đây. :)

Có một bộ phim khác tên là: Tôi yêu Việt Nam

Tôi nghe nói ý tưởng bộ phim thuộc về một anh đạo diễn lớn tuổi. Nhưng, điều thú vị là các bạn trẻ đã phỏng vấn được rất nhiều người, nhiều lứa tuổi, nhiếu hoàn cảnh sống… trong hơn 7 phút phim. Câu hỏi là: Bạn có yêu Việt Nam không, tại sao yêu, và thể hiện tình yêu đó như thế nào…

Bạn sẽ nghe những câu như rút ra từ văn kiện Đảng, được nói bởi một người phụ nữ đang lội dưới mương… Cũng có câu trả lời xuất phát từ những kinh nghiệm sống, có câu trả lời hàm chứa ước mơ nhiều hơn là hiện tại, có những câu trả lời xuất hiện như trong một cuộc thi vấn đáp, có những câu trả lời đùa cợt… Nhưng, đó là một bức tranh con người thú vị có thể làm bạn phì cười, có thể làm bạn cảm thấy buồn…

Câu hỏi này có thể là trừu tượng hay cụ thể tùy theo cái nhìn mỗi người, đây không phải là câu hỏi hàng ngày nhảy tới trong đầu bạn. Chỉ có điều, tôi nghĩ điều quan trọng là những người làm ra bộ phim này đã bỏ ra nhiều công sức, và nó mang lại cho bạn cảm giác thú vị vì được lắng nghe những lời nói về đất nước của rất nhiều cá nhân.

Có gì đặc biệt ở hai bộ phim này không? Không phải quá nhiều. Nhưng, quan trọng là khi chúng được làm ra bởi những người còn ít tuổi, còn rất trẻ. Tôi sẽ không thể nói được những bộ phim đó đã mang lại cho tôi điều gì. Nó nhiều hơn một niềm vui (haha, trong số những thứ tôi được thì có cả tiền).

– Hôm nay tôi nhìn thấy trên trang chủ của vietnamnet tấm hình người thanh niên vô danh đứng chặn đoàn xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn. Tôi hi vọng không có ai bị kiểm điểm về việc này. :)

– Tôi tự hỏi khi nào thì người ta đưa ra một quyết định cho số phận của mình? Tại một người khác hay từ chính bản thân của họ? Thường thì từ một người khác, một ai đó cho họ động lực, hay gây ra cho họ một biến cố lớn… Ừm, chủ yếu là có cái gì đó đủ lớn để người ta thực sự thay đổi cuộc đời mình theo hướng tốt hơn, đúng với những gì họ muốn hơn. Tôi tự nhận thấy rằng, rốt cuộc thì sau một bi kịch nào đó, có lại được niềm vui không khó, người ta chỉ từ chối có lại nó. Tôi thấy sợ khi người ta từ chối những xúc cảm. Vì, ít ai hiểu được trên đời này xúc cảm, kể cả đau buồn, vui sướng, cáu giận, cô đơn hay chán nản… lại quan trọng tới mức nào với mỗi người. Nuôi dưỡng tất cả, cho tới khi, xúc cảm đó đủ lớn…

Trong những ngày không có ai nói chuyện

Tôi muốn viết một cái gì đó thật oách cho những ngày này. Nhưng không biết phải viết ra sao. Tôi có một đống kế hoạch phải làm nhưng chúng vẫn ở trong đầu. Tháng này là tháng thứ ba trong vòng quay của một vài câu chuyện nhỏ lẻ, chỉ còn ba tháng nữa là tôi tự do. Freedom is waiting, baby, just go on.

– Hôm nay, mama bảo tôi với vẻ nghiêm túc rất hài hước: “Hay là con về TH làm việc, bác B bạn bố mẹ nói nếu con về con sẽ làm (không nhớ chính xác là làm gì nữa) trong Tỉnh ủy.” Với mama, cái này là big chance. Còn đứa con gái 40kg của mama đáp: “Con mà về đấy, chỉ có hai kết thúc, một là con tự tử, hai là con đi tù”. Mama bảo: “Chán chúng mày lắm”. Thế đấy, conflict giữa các thế hệ trong gia đình không chừa ai, kể cả đứa con vốn lúc nào cũng nhe răng, gật đầu, tâm trí bỏ đi đâu trước pa, ma như tôi.

– Tôi hiểu, thật khó khăn làm sao khi người ta kết thúc một điều vui vui, hay hay để bắt đầu một con đường mới. Nhưng, phải kết thúc thôi, đúng không? Và chúng ta sẽ bắt đầu một câu chuyện khác, mới tinh, mới tới phát khóc lên được. Mọi thứ cần phải được nạp đầy, kể cả những điều đã đầy ứ lên rồi, ví dụ như cô đơn. Chẳng ai hiểu phía trước là gì, cũng không cần hiểu. Thế giới này thật là lộn xộn và hay biến đổi, biết đâu vài ngày nữa lại có một vụ Ngọ Môn không chừng. Chuyện gì cũng có thể tới.

– Lúc nãy đọc trong forum trường cũ, thấy một cu cậu sinh năm 85 khuyên những người sinh sau năm 79 thì chưa nên đi tu, học thiền vì kẻ đó dễ có nguy cơ nếu đã lặn xuống nước là không bao giờ ngoi lên, ở luôn dưới nước thiền cho vui. Ngày xưa, khi còn học năm thứ hai đại học, tôi vẫn có ý định khi nào đó tôi sẽ đi tu, hoặc thiền tại nhà, để cho yên tĩnh, khí thế. Rồi từ khi bắt đầu giai gái tới giờ, anh giai nào cũng bảo với tôi là mình sẽ đi vô chùa ở. Ở chùa, công nhận mát. Nhưng, từng đấy con người và chính tôi, cả cái lũ sân si đầy mình, rồi lúc nào cũng nhảy tưng tưng lên với những thứ bé bằng con kiến, bé hơn cả con kiến, bé như hạt cơ bản. Cái lũ đấy, làm sao mà vào chùa cho được. Rốt cuộc, một người đã làm điều đó, không biết chùa đó có bao nhiêu ni cô ở. Cái gã vào đó mới thực là hấp dẫn chứ, thực đấy, quá hấp dẫn là khác.

Nhưng nói gì mà nhiều lời nhảm nhí thế này?

– Tôi – đôi khi – muốn rủ một ai đó cùng đi đâu đó, cùng làm gì đó với mình. Nhưng, bao giờ cũng thế, chắc cũng giống rất nhiều người, tôi không thể nào tìm được ai quanh mình để rủ. Tôi nhìn – và mỉm cười, ừm, không được đâu, cô ta không thích thế, anh ta không thích thế, they got their own things to do. Mọi sự connect thật dễ dàng khi người ta nói với nhau vài câu bông lơn vui vẻ, nhưng không còn gì vui nữa khi chúng ta thực sự làm điều gì. Bởi vì, người ta thích nói về những thứ người ta không bao giờ làm và làm những thứ người ta không bao giờ nói. Đa số mọi người là thế.

– Cách đây khá lâu rồi, khi đi qua một ngôi nhà ở gần nhà chị bạn, nghe chị kể về câu chuyện gia đình đó: một người con trai bị tai nạn giao thông liệt toàn thân, người cha đã dành hai năm, chỉ ở nhà giúp con tập luyện hàng ngày, để anh lại có thể cử động, hồi phục. Câu chuyện đó rất ấn tượng với tôi. Tôi đã nghĩ tôi có thể viết một truyện ngắn về chuyện này, làm một bộ phim tài liệu… cho dù tôi không phải nhà văn hay biên kịch tài liệu, tôi nghĩ nếu tôi đã biết một chuyện như thế mà không viết gì về nó thì rất tệ. Nhưng cuối cùng, thời gian đi qua, thỉnh thoảng lại đọc báo mạng Việt Nam, lại thấy có những chuyện tương tự như thế. Khá nhiều chuyện như thế có trên đời, tôi thấy mình chẳng thể nào viết được. Nó như những glory mà nếu viết về nó, sẽ thành những truyện chicken soup for the soul. Rất dễ để viết về những cái xấu, rất dễ để phê phán, nhưng viết về một điều tốt trong cuộc sống thì luôn bị coi là bịa đặt hoặc tô hồng. Nhưng, xét cho cùng, có cái gì trên đời mà lại không có mặt đối lập với nó.

– Càng đi nhiều, càng bực tức nhiều, quan sát lắm, chán nản hơn, thì càng cảm thấy mình có lý do để ngồi đây hớn hở với cuộc đời này. Tôi lại nhớ tới câu nói của người bạn hơn tôi 10 tuổi kia: người ta cần phải sống qua thời gian để có được sự bình yên. Anh đã bao giờ có được bình yên chưa nhỉ? Ước gì anh có ở đây để trả lời tôi. Bởi vì, tôi luôn có thói quen nhìn vào anh để thấy tôi 10 năm nữa. Mà thế nào rồi anh cũng lại trả lời: Thôi em đừng hỏi nữa, em cứ sống đi rồi em sẽ biết. Sống, rốt cục thì nó là như thế nào?

Kể ra, tôi cũng già lắm rồi, mà chưa thấy sống được gì cả.

– Tôi đang tự hỏi, khi một người đàn ông ôm người phụ nữ anh ta muốn vào lòng, trần truồng, anh ta nghĩ gì? Có thể anh ta chẳng nghĩ gì cả, bản năng còn lớn hơn cả suy nghĩ. Liệu có ai trong số họ vẫn thấy cô đơn đến chết đi được vào lúc đó không? Nếu có thì có nhiều không?

Câu hỏi này như kiểu tò mò giới tính ấy nhỉ? Nhưng đó là một trong những điều tôi lại tự hỏi, và chẳng có cơ hội để nghe câu trả lời.

– Nếu có cơ hội gặp lại người bạn trong sáng của mình, gặp lại anh như xưa. Tôi sẽ ôm anh một cái thật chặt, rất rất chặt để lấy lại tất cả những gì anh đã mang đi khỏi thế giới của tôi khi rời bỏ nó.

Nhưng rất có thể, anh đã ném chúng bay đi cùng với những thứ đau khổ mà chúng tôi nhét vào tay kẻ khác. Anh chẳng bao giờ biết, anh đã quý giá với tôi tới mức nào.

Không ai rời khỏi cuộc sống của tôi hiểu điều đó, rằng họ quý giá tới mức nào với tôi. Họ không tin, tôi có quá nhiều thứ để ba hoa. Nhưng, thế giới của tôi, tan vỡ dần dần đi, cùng họ. Nhưng ai có thể quan tâm tới chuyện đ�
�, kể cả tôi, bởi vì, tôi vẫn còn quá nhiều thứ để tưởng tượng ra, để ném vào tay kẻ khác.

Không có cái gì là đúng cả, như cái hình trên kia, và cụ Einstein đã nói.