Nobody Knows

__________________________________

Từ một sự kiện có thật về “bốn đứa trẻ bị bỏ rơi ở Sugamo” và suốt mười lăm năm kiên trì xây dựng kịch bản, sản xuất, đạo diễn Hirokazu Kore-eda đã cho ra mắt bộ phim Dare mo shiranai (Nobody knows – Không ai hay biết). Bộ phim đã khẳng định cho tài năng của anh và cũng đã đã mang lại cho diễn viên nam chính Yuya Yagira cành cọ vàng danh giá tại liên hoan phim Cannes năm 2004.

Dare mo shiranai mở ra khi bà mẹ trẻ đưa cậu con trai Akira 12 tuổi chuyển tới nơi ở mới, một căn hộ cho thuê chật hẹp. Tuy nhiên, chỉ trong ít phút sau, người xem nhận ra rằng gia đình này còn có thêm hai đứa trẻ khác chừng 4, 5 tuổi đang trốn trong va li và một cô con gái chừng 9, 10 tuổi đang chờ trời tối để được vào nhà. Và rồi, ngay trong bữa ăn tối, khi đồ đạc còn chưa được tháo dỡ, bà mẹ thông báo cho bốn đứa con rằng chúng sẽ không được la hét, nghịch ngợm, không được bước ra ngoài, trừ cậu con trai lớn phải lo việc đi chợ. Người mẹ dường như muốn giấu đi sự tồn tại của ba đứa con còn lại khỏi những người khác và chúng chấp nhận chuyện đó. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bắt đầu của sự cay đắng. Bộ phim hé lộ dần cuộc sống của gia đình này, khi những đứa con chẳng có chung một người cha, khi chúng phải tự làm lấy mọi việc trong nhà và ngóng đợi mẹ trở về lúc đêm khuya, nhận ra ngay khi mẹ chúng say, khi cô từ chối cho chúng tới trường… Và rồi một ngày nọ, người mẹ mang hành lý ra đi, để lại cho bốn đứa con một chút tiền và lời hứa: Mẹ sẽ quay về vào lễ Giáng Sinh, và từ đó cô chẳng bao giờ quay lại nữa.

Câu chuyện của Dare mo shiranai chứa đựng nỗi ám ảnh của con người qua mọi thế hệ: nỗi sợ hãi bị cha mẹ bỏ rơi trong mỗi đứa trẻ, nỗi cô đơn hoang mang giữa thế giới. Và rồi từ đó, người ta thấy thêm nỗi hoài nghi sâu sắc trong thời hiện đại, khi cuộc sống tấp nập của các thành phố lớn trên thực tế lại là môi trường tốt đẹp để sự thờ ơ, để việc bị cô lập hiện lên rõ ràng nhất. Khi số tiền mẹ để lại cạn kiệt, Akira tìm tới những người khác mong có được giúp đỡ, nhưng dường như vì việc đó đã xảy ra khá nhiều lần, vì những người đàn ông từng quan hệ với mẹ cậu luôn tự cho rằng họ chẳng phải là cha của một trong bốn đứa bé, vì sự ích kỷ cố hữu của họ – họ chỉ có thể rón rén đưa cho cậu một chút ít tiền. Và chính người mẹ của cậu, người đã rời bỏ con cái mình để đi tìm hạnh phúc riêng, người những đứa trẻ mong mỏi ngày đêm đã chẳng bao giờ gọi điện, viết thư hay nhắn gửi lại một lời nào. Trong bối cảnh nước Nhật phồn vinh, ngươi ta hiếm nhìn thấy thấy một đứa trẻ bơ vơ nào trên khắp đường phố lớn, nhưng trong một căn hộ nhỏ hẹp giữa khu chung cư có bốn đứa trẻ phải chật vật tìm cách để có nước uống, thức ăn để duy trì sự tồn tại, thậm chí có lúc chúng đã bước ra khỏi đó và những người xung quanh không bao giờ thực sự nhìn thấy chúng, nhận ra chúng.

Suốt diễn tiến của bộ phim, Kore-eda chỉ để những đứa trẻ nhìn thấy nhau và chỉ những đứa trẻ phải chịu đựng sự vô tâm. Akira được nhận thấy bởi những cậu bé khác, nhưng tình bạn của chúng sớm kết thúc khi Akira không thể sống cuộc đời hưởng thụ và phá phách như bạn bè mình. Akira và các em cậu nhận thấy Saki – một đứa trẻ cô đơn khác, nạn nhân của sự tẩy chay, trêu chọc ác ý ở trường học – và cô trở thành bạn của cả nhà. Bộ phim của Kore-eda tập trung phần lớn vào xúc cảm, nỗi cô đơn, hoang mang, bị tước đoạt tự do của chúng. Dare mo shiranai không có nhiều cảnh quay ngoại, cảnh toàn mà thay vào đó là các góc cận và khuôn mặt, đôi mắt, vào bàn tay, đôi chân của những đứa trẻ. Người xem có thể thấy sự mong manh, non nớt, đơn độc của những nhân vật hẵng còn bé bỏng, đối lập với sự thực nghiệt ngã mà chúng đang phải đối mặt, họ được bước vào thế giới riêng tư, tâm hồn, trái tim của chúng, nhưng cùng lúc họ nhận thấy rằng mình chẳng làm gì được cho chúng cả.

 

Tuy nhiên, bất chấp cảm giác bất lực, hoài nghi mà câu chuyện trong phim gợi ra, Hirokazu Kore-eda không biến tác phẩm của mình thành một bài hát não nề, sướt mướt cho số phận của trẻ em không có cha mẹ. Chính bởi tập trung vào trẻ em, lấy điểm nhìn từ đôi mắt của chúng, thế giới trong Dare mo shiranai không phải là thế giới của sự tuyệt vọng và u ám. Thời gian trong phim chủ yếu là ban ngày và đó là những ngày nắng đẹp, dù cho đấy là mùa đông, mùa xuân hay mùa hè… Trong thời điểm câu chuyện trong phim bắt đầu đi tới sự tuyệt vọng, thì bất ngờ đạo diễn để cho những nhân vật bé nhỏ của ông cất tiếng cười vang khi chúng quyết định rời khỏi căn hộ chật chội và chạy nhảy dưới bầu trời trong xanh và rặng hoa anh đào tươi đẹp của mùa xuân. Kể cả khi chúng phải đi xin ăn, phải tắm giặt ở công viên, phải nhặt từng đồng xu bỏ quên trong máy bán hàng tự động, phải nhai giấy cho đỡ đói thì chúng vẫn chẳng ngừng mỉm cười, chẳng thôi hi vọng. Phong cách diễn của các diễn viên nhí trong phim cũng đóng góp đáng kể cho điều này. Hầu như suốt bộ phim, người xem luôn thấy chúng xuất hiện trước ống kính đầy bình thản, kìm nén, không diễn tả xúc cảm hoang mang, đau xót bằng bất cứ cử chỉ nào khác ngoài ánh mắt. Ngay cả khi sự thờ ơ của người lớn, lòng khao khát yêu thương không được đáp lại và sự thiếu thốn đã bắt một đứa trẻ phải chết thì vẫn không có một giọt nước mắt nào chảy ra. Akira đã mang em mình đi, trong chiếc va li như khi nó đến, và cậu đã lẳng lặng chôn em ở một nơi cậu tin rằng sẽ đưa linh hồn em tới được thiên đàng. Dare mo shiranai, không nghi ngờ gì, sẽ có những khoảnh khắc làm tim bạn đau nhói, nhưng đây chắc chắn không phải là một bộ phim khiến bạn bi quan.

Suốt từ đầu tới cuối, bộ phim chỉ sử dụng âm thanh của đàn guitar với tài nghệ của nhóm nhạc Gontiti và một bài hát tha thiết của Takako Tate (khi phim gần kết thúc). Nhạc nền trong Dare mo shiranai không nói hộ xúc cảm cho nhân vật trong phim, không đi theo diễn tiến của câu chuyện mà đơn giản chỉ là một giai điệu đều đặn không có cao trào. Tuy nhiên, giai điệu ấy đã trở thành một phần quan trọng không thể thay thế cho bộ phim khi nó thể hiện cho nhịp điệu bình thản của cuộc sống, như thể chẳng có gì thực sự quan trọng, thực sự buồn hay vui, như thể bước chân vô tư lự bước qua… cùng những thanh âm trong sáng như lấy ra từ tâm hồn của trẻ em. Âm nhạc đã góp phần giữ lại cảm giác lạc quan, trầm tĩnh khi bộ phim nói tới những điều đau xót nhất. Âm nhạc như chính cuộc đời chúng ta, trong nhịp điệu ấy của mỗi ngày qua đi, chúng ta – những con người có thật – đôi khi sẽ chẳng nhận thấy gì cả, và nhiều số phận sẽ “không ai biết.”

Giai điệu của Gontiti đưa Dare mo shiranai tới kết thúc trong sự ẩn ý của việc chẳng bao giờ kết thúc, sau biến cố đau đớn, những đứa trẻ còn sống sót lại tiếp tục cuộc đời bơ vơ của chúng. Nhưng nắng vẫn không tắt, và nụ cười hồn nhiên của chúng vẫn không tắt, như thể tất cả chúng ta đều phải bình thản mà lớn lên cùng với sự cô độc phô bày ra dưới ánh sáng ban ngày mà vẫn chẳng ai nhìn thấy.

(Bài đã đăng SVVN, tuần vừa rồi.)

__________________________

Nếu bản nhạc trên đã hết, các bạn nghe nốt bài hát duy nhất trong phim ở đây, một bài hát hay.

4 thoughts on “Nobody Knows

  1. Phim này dù sao cũng xây dựng câu chuyện có phần đẹp đẽ hơn so với sự thật qua những đoạn miêu tả sự trong sáng hồn nhiền của những đứa trẻ. Ở ngoài đời sự kiện này còn buồn hơn nhiều.

    Đây cũng là một trong những phim Nhật mà mình thích

    Like

  2. Dạ anh cứ thoải mái anh ơi :D, lần sau anh muốn lấy bài nào của em cứ lấy luôn, không cần hỏi em đâu ạ. :D

    Like

  3. Mình chắc chắn phải xem film này vì tò mò và vì bạn Moonie dành rất nhiều tình cảm cho film

    Like

Leave a comment