July 26, 2007

Hôm qua tôi đi theo một nhóm làm phim ngắn. Trong phim có cảnh đánh cầu lông, chúng tôi đã mượn cọc và sân của mấy cụ, cái sân đó nằm trong công viên Lê Nin. Đang quay thì có mấy anh bảo vệ hay quản lý của công viên phi xe máy tới đòi dỡ bỏ cọc và lưới vì hết giờ tập thể dục rồi. Okie! Thì dỡ. Sau đó các anh phát hiện ra chúng tôi có mang một cái xe máy vào trong công viên (vì bà chị chủ xe đó thấy vô khối người đi xe vào mà chả ai nói gì nên không biết là bị cấm). Các anh đòi thu xe của bà chị, rồi sau khi nghe vài người lớn nói ra nói vào, các anh không thu nữa. Tiếp đến, các anh nói không được quay phim trong công viên, muốn quay phải lên phường xin giấy phép. Nhưng rồi khi đưa cho các anh 100.000 thì các anh cũng nhẹ nhàng ra đi, chắc mang tiền lên phường.

Anh chủ đầu tư kiêm đạo diễn của bộ phim lớn lên tại nước khác, mặt cứ nghệt ra, chẳng biết phải làm gì. Việt Nam mà, chẳng ai hiểu gì về quy định của nước này đâu, không phải chỗ nào công cộng cũng được quay phim, chụp ảnh. Muốn biết rõ, phải lên phường.

Đảo xoay vấn đề một tẹo. Tôi không sinh ra tại thành phố, nhưng tôi không hẳn sống ở nông thôn. Tôi sinh ra ở một thị trấn ở một tỉnh không ra miền Trung cũng không ra miền Bắc. Tôi thấy tôi không gắn bó với đời sống của thành phố, mà tôi cũng chẳng bao giờ cảm thấy hứng thú với thôn quê. Tôi thích thú với một số thứ như: phong cảnh, lâu lâu được đi leo núi, được làm vườn, được yên tĩnh. Tôi hứng thú với đời sống văn hóa phong phú của đô thị, những tiện nghi mà nó có sẵn, những thông tin luôn thay đổi. Tôi thấy tôi mang tâm lý điển hình của người Việt Nam bây giờ. Chưa thực sự thoát khỏi tâm thức nông dân nhưng không chịu thừa nhận, chẳng phải là người của đô thị và công nghiệp nhưng luôn luôn cố thể hiện nó. Tôi đang ở lưng chừng, cái khoảng thời gian này tôi thích những thứ của nước ngoài nhưng chưa sẵn sàng để chấp nhận những thứ đối lập với thói thường của người Việt Nam.

Thỉnh thoảng tôi lại đọc một diễn đàn, tôi thích cách người trong đó xơi xơi lôi những cái xấu của nhau và của xã hội ra công kích và cách phản ứng rất tự nhiên và “hiếu chiến” với những bất công của họ. Nhưng tôi không tin họ. Họ khá thành công trong cuộc sống, nếu so với người Việt Nam bây giờ. Họ khoe những thứ vật dụng hiện đại và đắt tiền của họ, họ nói tới lương bổng, vị trí và những gì họ đang đạt được như một thiếu nữ đeo cả gia tài lên người . Cách họ phô bày vật chất đó khiến cho tôi cảm thấy họ đang tự huyễn hoặc mình. Giống như ai đó đã nói ề thói ồn ào của phim Việt Nam, được một hai cái giải quốc tế ở vòng gửi xe nhưng đã oang oang lên như chúng ta sắp dẫn đầu thế giới. Họ cười khẩy khi nhìn thấy ai đó đi xe số mà không phải tay ga. Bạn có thể ở trong những căn nhà bé như tổ chim và cái ngõ đi vào thì như ruột cá, nhưng xe của bạn nên là xe tay ga, thân càng to càng tốt, vì bạn sẽ không bị ai cười khẩy. Trong khi đó, khi tôi tới Nhật, tôi thấy người ở đó nếu đi xe máy thì chỉ đi xe Dior, vì nó nhỏ nhẹ và phân khối thấp. Một số người phê phán rất nhanh thói trưởng giả của người khác, nhưng lại tự nống những giá trị của chính mình. Ngay chính bản thân tôi, tôi cũng phải khó khăn từng ngày một để không bị như thế, nhưng đôi khi vẫn thế. Thật đáng buồn!

Tôi đọc trong blog của anh Viettory về lòng tự hào dân tộc. Những trận bóng đá đã kết thúc, không còn ai nói gì về chuyện dù thua nhưng người Việt Nam vẫn ầm ầm chạy ra đường. Tôi không xem bóng đá, không quan tâm tới bóng đá Việt Nam, tôi cũng chẳng biết có những ai ra đường hôm đó. Nhưng tôi đồng ý với anh, chẳng có gì để trách móc hay phê phán khi người ta ăn mừng đội bóng nước mình được vào vòng trong của một giải bóng đá cấp châu lục (hay khu vực đi nữa), cho dù thua cuộc, cho dù chỉ nhờ may mắn. Ở trong cuộc sống này, có bao nhiêu cuộc ăn mừng được tổ chức sau khi nhờ được anh may mắn giúp đỡ?

Hiện tại tôi sống ở HN. Ở thành phố này, mọi thứ đổi thay ngày một. Những nơi trước đây chỉ có bụi bặm và đồng không mông quạnh giờ đều biến thành những khu chung cư. Nhưng bố mẹ tôi vẫn ở cái thị trấn mà tôi đã tả, muốn đi về nhà, tôi phải đi qua rất nhiều nơi là nông thôn thực sự. Từ khi tôi rời khỏi nhà tới giờ, gần 10 năm rồi, hình ảnh của những nơi đó chỉ thay đổi tí chút. Nhìn qua cửa kính xe trên đường về nhà, tôi vẫn biết chính xác sau cái nhà này là cái nhà nào. Những lối mòn ở quê bố mẹ tôi vẫn y như cách đây mười mấy năm, bùn lầy và lổn nhổn. Những ngôi nhà được xây dựng lên một cách chậm chạp. Nông thôn có thay đổi, nhưng chậm, rất chậm. Tuy nhiên, nếu bảo tôi ở lại nông thôn để cải tạo nó thì không bao giờ. Tôi đương nhiên không thể chịu nổi cách sống ở đó.

Cách đây bốn năm, tôi hỏi một người bạn đang học tại nước ngoài rằng anh có muốn về Việt Nam làm việc không. Anh nói: Có chứ, đương nhiên rồi. Sau đó anh về thật, làm việc thật và nhanh chóng tìm cách đi. Rồi anh lại đi. Lần này tôi hỏi, anh nói: Anh không biết.

Một người bạn đang ở Châu Âu, sắp về Việt Nam. Một ngày nọ anh tình cờ xem VTV4 tại nhà một người bạn, và anh nói với tôi: Quan sát từng đó thứ, ghê sợ khi nghĩ tới việc sắp tới mình sẽ lại chịu đựng một lối sống và làm việc như thế.

Những người đã học tại nước ngoài, khi họ về Việt Nam, họ đều dễ phát điên lên vì cách làm việc của những người – già – không học hành như họ – không từng sống ở Âu Mỹ như họ. Tôi ở Việt Nam, tôi chưa từng học tại nước nào, tôi lắm lúc cũng dễ phát điên lên y như thế.

Nhiều khi, ngồi trên xe trên đường về quê, tôi cảm thấy Việt Nam giống như nông thôn của thế giới. Người ta ai cũng nghĩ tới sự chậm chạp của nó, những thói xấu của nó và tránh xa nó, chứ không phải cải tạo nó. Và cũng có những người muốn cải tạo nó mà không thể, như ở nông thôn, ở đâu cũng có lệ làng.

13 thoughts on “July 26, 2007

  1. …Nhiều khi, ngồi trên xe trên đường về quê, tôi cảm thấy Việt Nam giống như nông thôn của thế giới. Người ta ai cũng nghĩ tới sự chậm chạp của nó, những thói xấu của nó và tránh xa nó, chứ không phải cải tạo nó. Và cũng có những người muốn cải tạo nó mà không thể, như ở nông thôn, ở đâu cũng có lệ làng… -> hoàn toàn chính xác. Nhưng đâu là giải pháp khả thi ???

    Like

  2. “Cách đây bốn năm, tôi hỏi một người bạn đang học tại nước ngoài rằng anh có muốn về Việt Nam làm việc không. Anh nói: Có chứ, đương nhiên rồi. Sau đó anh về thật, làm việc thật và nhanh chóng tìm cách đi. Rồi anh lại đi. Lần này tôi hỏi, anh nói: Anh không biết.”

    Bây giờ em cũng nghĩ khi tốt nghiệp xong sẽ quay về VN làm nhưng chẳng biết bốn năm nữa có khác không… Nếu quay về mà mọi thứ đều vẫn y như ngày em ra đi thì có lẽ, em cũng sẽ như anh bạn của chị. Nói ra thì thật đáng trách nhưng một khi đã quen với lối làm việc nghiêm túc, đâu ra đó thì đụng phải sự trì trệ, người ta sẽ giật lùi. Chẳng hạn, đi học nước ngoài về, tốn bao nhiêu tiền bạc, đầu óc mở mang bao nhiêu, háo hức về cống hiến nhưng rồi lại bị tống vào một cái viện nào ấy với mớ lương ba cọc ba đồng, chơi nhiều hơn làm, giờ ngồi quán nhiều hơn ngồi văn phòng, một người có tự trọng , có chí hướng có chấp nhận được không ? hoặc giả như bạn em, chẳng du học mà chỉ học ĐH ở VN thôi, tốt nghiệp bằng giỏi hẳn hòi nhưng khi xin việc, cái yêu cầu đầu tiên lại là có quen biết :) Buồn lắm chị à.

    “Nhiều khi, ngồi trên xe trên đường về quê, tôi cảm thấy Việt Nam giống như nông thôn của thế giới. Người ta ai cũng nghĩ tới sự chậm chạp của nó, những thói xấu của nó và tránh xa nó, chứ không phải cải tạo nó. Và cũng có những người muốn cải tạo nó mà không thể, như ở nông thôn, ở đâu cũng có lệ làng.”

    hmm, biết thế nhưng cải tạo được chắc phải cải tạo từ những người đứng đầu, những người có quyền lực..

    Like

  3. về cơ bản, tớ ủng hộ cách nghĩ của bạn và phần trên của bài viết, còn phần dưới, nói về những người đi du học về, tớ không được ủng hộ cho lắm :)

    (Lần nào cũng vậy, Entry của Moony luôn ẩn chứa sự giằng xé, đấu tranh. Phải chăng thế ? :) )

    Like

  4. Sau na`y anh hoc xong , anh se ve VN lam , va se cha di dau ca :) .

    “Nhiều khi, ngồi trên xe trên đường về quê, tôi cảm thấy Việt Nam giống như nông thôn của thế giới. Người ta ai cũng nghĩ tới sự chậm chạp của nó, những thói xấu của nó và tránh xa nó, chứ không phải cải tạo nó. Và cũng có những người muốn cải tạo nó mà không thể, như ở nông thôn, ở đâu cũng có lệ làng. “

    Doan nay thi hay :)

    Like

  5. Ông Lý Quang Diệu phải mất đến hơn 20 năm để có được một Singapore bé xíu trở nên xanh-sạch-đẹp – không nhổ kẹo caosu, rác ra đường,… toàn những cái nhỏ nhặt. Nhưng để có được những thói quen tốt với những cái nhỏ nhặt lại mất thời gian vậy đấy!

    Muốn khá lên được thì trách nhiệm trước tiên là ở những ng có quyền lực. Tiếc thay, những người này ở ta lại quá ít người có tâm. Họ đơn giản ham muốn quyền lực, tiền tài. Chứ thực ra, với một người muốn làm quan chức, thì trước tiên họ phải có đức hạnh của một vị Bồ tát – mong muốn giúp đỡ tất cả mọi người. Xã hội cần họ để phục vụ mọi người, chứ không phải để
    “hành” dân!

    Like

  6. ah VN ah :”]

    nó vẫn thế …chả có gì khác cả :”]

    mấy cái anh ở công viên … chắc j cái tiền đấy đã đc lên phường hả ss :”]

    Like

  7. @Mac: Sự thay đổi có lẽ phải bắt đầu bằng việc có một nhà nước nghiêm khắc thực sự và công bằng thực sự. Mọi quy định đều phải rõ ràng, áp đặt lên mọi cá nhân. :) Tất nhiên, phải biết tôn trọng những người tài, thứ mà lâu nay VN bỏ quên.

    Tôi chỉ mong muốn nông thôn VN thay đổi. Nếu bạn đã từng sống cạnh những người nông dân, không phải là mấy trò tình nguyện ồn ào và sau đó chạy thẳng, bạn sẽ thấy cái đất nước này còn nghèo tới mức như thế nào. Và tại sao nó cứ nghèo mãi, khi chiến tranh đã đi qua tới 30 năm rồi? Từ cá nhân tới quản lý đều chưa ổn.

    Like

  8. Một tâm sự rất chân thành, như một hơi thở dài. Chia sẻ với bạn. Sự phù phiếm của đô thị và sự tụt hậu của nó, với những “giá trị mới” làm cho con người ta quên đi mất cái gì là ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Nếu có hỏi, người ta sẽ nói “anh không biết”.

    Like

  9. Chị thích cách em viết. Em và những người khác cùng nhìn vào một thứ, nhưng em thấy được những điều người khác không thấy, và viết chúng ra. Chưa kể là em đã nhìn vào nhiều thứ hơn những người khác. Đó là sự bắt đầu của một người viết, chị nghĩ thế. Em có cách dùng từ tôi rất tự nhiên và tài tình. Định bảo chắc chắn em sẽ viết tốt hơn mấy bạn 8-ếch, 9-ếch đang viết văn bây giờ, nhưng lại nhớ ra rằng đấy chẳng phải khen ngợi gì! Hehe

    Like

Leave a comment