Cái năm 20 ấy năm gì…

Ngày này năm ngoái, tôi bay từ Nhật trở lại Việt Nam để kịp đón sinh nhật cô em gái. Thật không ngờ với một kẻ lúc nào cũng bay qua bay lại như chim là tôi đây, đó là chuyến bay quốc tế cuối cùng, vì chẳng bao lâu sau bệnh dịch ập tới.

Năm 2020 có lẽ là một năm đáng nhớ với tất cả mọi người, nhưng với tôi, nó còn là một năm cực kì đặc biệt: Tôi trở thành một người mẹ. Con gái tôi ra đời trong những ngày thành phố HCM phòng chống covid gay gắt nhất, giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa, bệnh viện siết chặt thăm nuôi. Nhưng rồi, cũng như mọi em bé khác, con tôi chẳng bận tâm đến những chuyện ồn ào như số lượng người nhiễm bệnh và tử vong, khủng hoảng kinh tế hay chuyện nước Mỹ đánh nhau vì bầu cử. Con chỉ bận làm một em bé, học ngủ học ăn, học lật, học ngồi, học cách nói chuyện với người lớn bằng những âm thanh ê a. Năm 2020 hết thì con cũng kịp học được cách vịn tay mẹ mà đứng lên.

Làm mẹ là trải nghiệm chắc mà niềm vui, sự căng thẳng và cáu giận nhiều ngang ngửa nhau – chuyện này chắc bất kì người mẹ nào cũng hiểu. Tôi không thích việc thi vị hóa chuyện làm mẹ, vì nó khiến người ta trở nên kỳ vọng quá nhiều ở phụ nữ và những người mẹ. Làm mẹ không phải chỉ là những lúc nhàn nhã ôm con trong vòng tay, nằm cạnh hít hà bầu má sữa hay những lúc bận đồ đôi nắm tay nhau. Làm mẹ còn là những thử thách về cơ thể, là trăm ngàn nỗi lo, là cảm giác đơn độc và cả những lúc mất phương hướng, chẳng rõ mình làm gì sai. Tất nhiên, dù một ngày có thế nào đi nữa, khi đêm xuống, việc đã xong, được nằm cạnh con, nhìn con người tí hon ấy yên bình ngủ, tôi lại thấy tất cả những gì mình trải qua trong ngày đều chẳng có gì đáng kể.

Tuy nhiên, chuyện làm mẹ còn buộc tôi phải đối diện với những điều mà suốt nhiều năm tôi đã dẹp qua một bên. Từ môt người có vẻ ngày càng tin vào sự hư vô của tồn tại, tôi bỗng bàng hoàng nhận ra mình phải chịu trách nhiệm về hẳn một con người. Tôi không thể làm điều mà từ độ tuổi 20 tôi vẫn muốn làm, là đến lúc chết thì bụp một cái, tan biến vào hư không, không để lại dấu vết gì. Con người tí hon này sẽ lớn lên, và mình sẽ phải đảm bảo con lớn lên cùng tình yêu, với tự do và trải nghiệm trong giới hạn an toàn.

Vì trải qua một tuổi thơ tương đối sóng gió, với những biến cố đổ ập đến như sóng trào và nỗi ám ảnh về nợ nần, phá sản, tôi vốn vẫn cho rằng con người tốt nhất không sống vì vật chất và cũng đừng nợ ai. Vì quan niệm chẳng cần sở hữu gì cả, tôi tới tuổi tiệm cận 40 vẫn chưa có nhà cửa, chẳng có tài sản nào đáng giá, thậm chí sách tôi cũng đã đem cho biếu tặng, đóng góp từ lâu. Nhưng giờ có con trong một năm quá nhiều biến động, tôi chợt giật mình mà nghĩ: Nếu ngày mai mình bị covid và không bao giờ có thể gặp con lần nữa, thì mình để lại được gì cho con để con không khốn khó khổ sở. Có thể nói là không có gì hết!

Tôi chưa bao giờ sợ ý nghĩ mình sẽ chết, nhưng giờ tôi sợ mình chết, sợ chồng mình chết… Khi chưa sinh con ra, tôi đã suy nghĩ ráo riết về việc mình và chồng mình mà chết, thì con sẽ sống với ai. Lần đầu tiên trong đời, tôi phải ngồi kiểm kê xem những gì mình có trong tay, và thảo sẵn di chúc có người làm chứng. Có thể chuyện này sẽ khiến bạn buồn cười, nhưng năm 2020 mà, bạn làm sao mà biết được chuyện gì sẽ xảy đến?

Thế nhưng, kể cả khi tôi chuẩn bị tất cả mọi thứ như thế, đôi lúc, tôi vẫn cảm thấy có lỗi vì đưa con tới thế giới này. Trong những năm gần đây, tôi liên tục di chuyển từ niềm hy vọng cho đến sự vô vọng về thế giới. Tôi kinh ngạc về sự thay đổi trong điều kiện vật chất của người Việt Nam, nhưng tôi cũng cảm thấy kết cục bi kịch của nhân loại chúng ta là không tránh khỏi. Thế mà tôi vẫn sinh con ra… Có lẽ, phần hy vọng và lạc quan trong tôi vẫn lớn hơn sự bi quan và vô vọng.

Nhưng, hãy quay lại với hiện tại cũng bi kịch không kém của chúng ta. Năm 2020, gia đình tôi có lẽ thuộc về số ít những người chịu ảnh hưởng rất ít từ đại dịch. Dù đoạn trên tôi nói nghe có vẻ như tôi cạp đất mà ăn, nhưng thực sự thì thu nhập của gia đình tôi không tệ đến thế. Gia đình mở rộng của chúng tôi gồm anh em bố mẹ, dù sống ở nước nào cũng không ai bị nhiễm bệnh. Chúng tôi vẫn ngồi nói với nhau về chuyện này, và nhắc nhở phải biết ơn thế giới này và sự may mắn của mình. Sự may mắn đó không đến với nhiều người bạn của chúng tôi. Ở Việt Nam, tôi có hai người bạn phải đóng cửa công ty, ở Mỹ, nhiều bạn bè của chúng tôi nhiễm covid, trong đó có một người đã mãi mãi ra đi.

Chỉ còn 6 tháng nữa là tôi về lại VN đủ 2 năm, thời hạn mà học bổng của tôi yêu cầu trước khi tôi được phép xin định cư tại Mỹ. Vào lúc này, vợ chồng tôi đều không mảy may nghĩ về chuyện quay lại đất nước đó. Tuy nhiên, dù không muốn di cư, tôi vẫn quan tâm sát sao đến đất nước này, có khi còn sát sao hơn thời tôi còn ở đó. Có lẽ vì giờ ở đó tôi đã có bạn bè, có những người tốt đẹp mà tôi quan tâm, yêu quý, và cả những người tôi chỉ tình cờ gặp nhưng đủ khiến cho tôi băn khoăn về tình hình của họ.

Trong ngày tôi sống trong khu căn hộ cạnh con trail và dòng suối nhỏ, tôi nhiều lần gặp một ông bố và ba đứa con nhỏ thường xuống bờ suối chơi. Họ từng có một ngôi nhà, nhưng khi bà mẹ phải phẫu thuật tim, mất việc làm, họ lâm vào nợ nần, phá sản và buộc phải chuyển tới thuê khu căn hộ giá rẻ dành cho sinh viên này. Họ có một chiếc minivan, nhìn qua cửa sổ xe đã thấy đồ chơi, quần áo chất đống – hình ảnh điển hình của một gia đình đông con nghèo khổ. Những đứa trẻ chỉ từ 4 đến 7 tuổi đặc biệt yêu quý Emma, con chó của chúng tôi. Chúng thường chờ tôi dắt Emma xuống chơi, và cảm ơn tôi bằng cách chia lại cho tôi những chiếc bánh cookies rõ ràng được nhận từ một bữa ăn từ thiện nào đó. Khi tôi sắp trở lại Việt Nam, cô bé út một hôm bỗng từ đâu tất tả chạy lại phía tôi, hân hoan khoe rằng cô bé sẽ chuyển đến nhà mới “Có cả một khu vườn, và cả một cái nhà kho nữa” – Những lời nói ấy khiến tôi vừa mừng, vừa nặng trĩu. Hai cô cháu trao nhau một cái ôm chúc mừng, và cũng là cái ôm chia tay – để biết rằng chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại.

Cũng những ngày ở đó, hàng xóm ngay tầng dưới của chúng tôi là một cặp vợ chồng già. Ở độ tuổi hơn 60, bố mẹ chồng tôi đã trả xong tiền nhà từ lâu và an tâm dưỡng già, họ vẫn cặm cụi đi làm và ở thuê trong căn hộ giá rẻ ấy. Tuy nhiên, sự khó khăn về vật chất và những bệnh tật trên cơ thể không ngăn cản họ xây dựng nên một mái ấm rực rỡ và thơm ngát. Mỗi dịp sinh nhật, ngày lễ tình yêu, ngày kỷ niệm, họ lại trồng thêm một chậu hoa, và mỗi buổi chiều, hai cụ lại ban công ngồi cạnh nhau ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi, giữa những chậu hoa lấp lánh và ấm áp của mình.

Những ngày nước Mỹ chìm trong đại dịch này, tôi tự hỏi những gia đình đó đã ra sao. Liệu những đứa trẻ có lại phải một lần nữa chia tay ngôi nhà thân yêu, hay bố mẹ chúng đã phục hồi tốt hơn sau cú sốc cả về sức khỏe lẫn kinh tế. Liệu hai cụ già (mà người vợ là một y tá) có được mạnh khỏe, có còn được thư thả ngồi ngắm hoàng hôn bên nhau hay cũng phải chia xa như biết bao gia đình có người làm trong ngành y khác.

Năm 2020 khép lại rồi, có lẽ người ta có rất nhiều mong ước cho năm tới. Tôi ngồi viết những dòng này khi chồng tôi đã kịp ngáy pho pho và con gái bé nhỏ thì nằm thở đều đều trong chiếc nôi giờ đã quá chật so với con – tôi nghĩ mình đã có hầu hết những thứ mà người ta mong muốn. Tôi vẫn đùa rằng năm mới mong chồng tôi bớt ở dơ vì tôi sắp đạt đến giới hạn chịu đựng rồi, nhưng tôi biết ơn là gia đình chúng tôi không bị chia cách như rất nhiều gia đình vợ Việt, chồng Tây khác. Rồi từ từ chúng tôi sẽ tiến vào năm 2021, với những mâu thuẫn nhỏ nhặt như mọi gia đình khác, và sẽ vẫn biết ơn vì mình còn sống, còn khỏe mạnh và có được một em bé quý giá để yêu thương, và nếu làm bố mẹ tốt thì sẽ được yêu thương lại.

Chúc mừng năm mới, mọi người!

Giấc mộng của mây

Trên đường bay từ Arizona về lại Dallas, tôi nhìn ra bầu trời đầy mây, và tự hỏi mình đây là thực, hay là mơ. Tôi đã có một năm bận rộn, và ít bay – và khi bay ít khi được ngủ. Nhưng may mắn thay, những ngày bận rộn đã gần qua – và tôi có những lúc nhìn mây, như tôi ngày xưa, những ngày còn bé nhỏ. Những đám mây trong khoảnh khắc kết tụ thành hình dáng này, thì cũng là lúc chúng đang chuyển hóa qua hình dáng khác. Tôi nghĩ trên đời này không có cái gọi là sự sống, bởi vì không có sự không sống, chỉ có cái gọi là sự chuyển hóa, và chúng ta là một sự chuyển hóa như vậy mà thôi.

Chồng tôi có lần hỏi: Khi còn bé, em có bao giờ tưởng tượng ra cảnh mình sẽ đến Mỹ học tập, sinh sống hay không? Chắc là không. Tôi biết mình sẽ rời khỏi phố huyện ấy, tôi biết mình sẽ không bao giờ quay lại nơi đó sinh sống làm việc. Nhưng tôi không tính tới chuyện mình sẽ đi tới đâu, làm những gì. Tôi khi đó, đọc cuốn Totto-chan, cô bé bên cửa sổ, và ước gì mình là Totto-chan, có một gia đình đầm ấm thương yêu, có một ngôi trường chấp nhận mình.

Hẳn nhiều người đã biết, tôi có mở ra một blog khác. Nơi tôi nói về những vấn đề ngoài mình – những thứ tôi quan tâm và học được. Tôi nghĩ tôi đã sống rất ích kỷ trong 30 năm cuộc đời, đã tới lúc tôi nên học cách chia sẻ nhiều hơn. Nhưng blog này, nơi tôi cũng chia sẻ, sẽ luôn luôn là những thứ về tôi. Nhưng, càng lớn tuổi, tôi càng thấy thời gian quý giá hơn, và tôi tự hỏi mình sẽ viết gì về mình, mà người ta không thấy lãng phí thời gian để đọc.

Và hôm nay, để bắt đầu cho năm 2019 với blog này, tôi viết về chuyện đối diện với chính mình.

Tôi nghĩ một trong những thứ bất hạnh nhất của con người là việc không dám đối diện với chính mình. Nhưng, tôi cũng  hiểu rằng việc đó không bao giờ dễ dàng.

Đã có lần tôi viết trên blog này (và giờ đã ẩn đi) về chuyện tôi là nạn nhân của bạo hành trẻ em. Tôi chưa bao giờ cố tình giảm tránh đi điều đó, cũng như chưa bao giờ thực sự trách móc cha mẹ mình. Tôi hiểu tại sao chuyện đó lại xảy ra, cả về mặt khoa học, lẫn thực tế cụ thể. Đã bước vào tuổi 35, tôi hòa giải với bản thân được 9 phần. Nhưng, 1 phần còn lại vẫn là câu hỏi, tại sao mình không thể có được sự gắn kết với cha mẹ? Tôi nhiều lần tự vấn chính mình, và tự hỏi liệu có bao giờ, trong một khoảnh khắc như mây, tôi tìm lại được cái “bonding” mà con người thường có với cha mẹ họ. Liệu bây giờ, khi bố mẹ tôi đã trở thành hai ông cụ bà cụ như bố mẹ của phần lớn mọi người, tôi có thể thành đứa con yêu thương, gần gũi cha mẹ như phần lớn mọi người?

Cho đến giờ, khoảnh khắc kì diệu ấy vẫn chưa xảy ra. Ở một mặt, trong tôi có cái áp lực đạo đức, tức là tôi mong mình phải yêu thương và gắn bó với cha mẹ. Ở mặt khác, tôi lại cho rằng mình không cần phải có cảm giác đó, bởi vì tôi đã lớn lên trong hoàn cảnh như thế. Hành động của tôi là thứ tôi có thể quyết định, và tôi vẫn làm, nhưng cảm xúc thì không thể quyết định được. Cái cảm giác dù gì đi nữa, phải vượt núi lội sông để về bên cha mẹ, xét cho cùng, là một thứ xa lạ với tôi. Tôi không sợ tổn thương, tôi chỉ bị… đứt một mạch trong bộ não của mình.

Nhưng, cùng lúc đó, tôi chấp nhận rằng tôi giống cha mẹ mình hơn tôi tưởng. Tôi từng viết tôi mãi mãi không đi qua tuổi mới lớn, tôi vẫn dễ nổi giận vì những gì đang xảy ra mà theo tôi là gây hại cho người khác, hoặc cho môi trường. Tôi nghĩ tôi thừa hưởng cái đó từ mẹ mình. Có những lúc, quan điểm của tôi thậm chí trở nên cực đoan, chứ không còn trung dung và khách quan như tôi vẫn muốn mình trở thành. Nhưng tôi nhận ra, điều quan trọng là dù 35 tuổi tôi vẫn còn hăm hở và sẵn sàng học và nhận sai. Nếu tôi chỉ thấy tôi đúng, thì đích thực là tôi có vấn đề. Đối diện với cái sai của mình, và chấp nhận nó, dù sao, vẫn khó hơn nhiều chuyện đối diện với vấn đề của mình và cha mẹ.

Lại trở về với những đám mây. Dù ngày càng trở nên cứng rắn trong ngôn ngữ và nhiệt huyết hơn trong những dự định, tôi vẫn tin rằng mọi thứ trên đời này chỉ như một giấc mộng không hơn. Tôi tin vào việc chúng ta mượn cái thân xác và cả trí tuệ này trong một khoảng thời gian, để rồi tan biến thành một dạng tồn tại khác. Nhưng liệu niềm tin ấy có giải phóng tôi khỏi những nỗi buồn hay niềm vui mà thể xác mà trí tuệ này đang trải qua hay không? Không. Nó thậm chí còn chẳng giải phóng tôi khỏi nhu cầu ăn một bữa ngon.

Tôi tin rằng một cảm xúc kéo dài sẽ để lại một vết hằn trên não bộ chúng ta. Tôi nghĩ rằng sự bất bình của tôi với những thứ bạo hành dù ở trạng thái nào chỉ là sự phản ứng trong vết hằn xưa cũ của tôi, cảm giác về việc mình bị đối xử bất công. Và cho đến tận bây giờ, dù ban ngày tôi chẳng bao giờ nghĩ về một người bạn cũ từng tìm cách tấn công tinh thần mình nhiều năm, lâu lâu những giấc mơ ban đêm vẫn nhắc tôi về cảm giác giận dữ rằng mình đã để điều đó xảy ra. Hành động là thứ mình có thể điều khiển được, nhưng những vết hằn xưa cũ ấy sẽ kéo dài rất lâu, kể cả sau khi chúng ta đã điều chỉnh được hành vi. Và tôi chấp nhận điều ấy.

Tôi nói với chồng ước gì tôi giống như những đám mây không ký ức. Nhưng anh lại bảo như vậy tôi sẽ cũng chẳng nhớ gì về những giây phút hạnh phúc mà tôi đang có này. Dù đang phải đối mặt với chứng winter blues, tôi biết mình đang sống và làm những điều tôi tin là có ích, và có những người yêu thương mình, và vẫn có cha mẹ mình ở đó, gia đình mình ở đó. Để tôi có cơ hội được chờ đợi những sự kết nối thần kì, và được là tôi, vẫn tiếp tục ngây thơ và lý tưởng, vẫn tiếp tục bất bình và nổi giận.

Và được đọc cuốn sách đầu tiên của năm 2019, có tên là The Great Alone.

Và như việc tôi vẫn giữ mãi niềm hân hoan được đọc một cuốn sách trao cho mình một ước mơ, và việc tôi mãi mãi được là cô bé bên cửa sổ trong mơ ước đó, bởi vì dù chuyện gì xảy ra, chẳng ai có thể tước ước mơ khỏi chúng ta.

Nghèo và ngốc

Cách đây hai năm, tôi cưới chồng, sau đám cưới, có vô số người hỏi tôi: “Ủa, sao đang vui tự nhiên lấy chồng?”, như thể tôi cưới chồng là chính thức bỏ cuộc chơi thật. Xong rồi họ lại vẫn thấy tôi y như cũ, những gì tôi muốn làm thì tôi làm. Đám cưới của tôi nhỏ gọn, chỉ diễn ra trong một buổi chiều, với chừng hơn 30 khách, chủ yếu là gia đình, bạn bè của chồng, nhóm bạn thân thiết nhất của tôi và những người tôi yêu quý. Hoa mua chiều hôm trước, bình hoa là chai bia cũ, cỗ kiểu gia đình. Vợ chồng tôi thuê một căn villa, vừa có chỗ cho bạn bè, ở, vừa có sân sau để làm đám cưới.

Đám cưới đó không phải đám cưới như bố mẹ tôi mong muốn, không có nhà hàng rồi rót rượu phun khói, rồi cô dâu chú rể đi quanh chúc rượu. Chủ hôn là bạn tôi, áo cưới của bạn tôi, nhẫn cưới là chiếc nhẫn vintage mẹ chồng cho tôi, bạn tôi chụp hình dùm tôi, sau lễ ngắn gọn thì a lô xô ai thích ăn thì ăn, bơi thì bơi, nhảy thì nhảy. Mẹ tôi, người cầu toàn, thậm chí còn muốn ngăn cản không cho bố tôi phát biểu.

Sau đám cưới, khi cô gái xinh đẹp chụp ảnh cho đám cưới của tôi up ảnh lên Facebook của cô ấy, một người bạn của tôi, cũng sắp lấy chồng, nói: “Ước gì em cũng làm được đám cưới như chị, muốn là lại sợ bố mẹ buồn”. Tôi chỉ đáp: “Bố mẹ chị buồn vì chị mãi rồi, giờ thêm chuyện này nữa thì cũng không khác mấy”.

Tôi nghĩ chuyện tôi có chồng thay đổi đáng kể mối quan hệ của tôi và bố mẹ, theo hướng tích cực. Khi còn độc thân, tôi không muốn dành nhiều thời gian cho bố mẹ. Lý do trực tiếp là tôi muốn đi nơi này nơi kia khi chân còn khỏe, lý do sâu xa là vì những lần về thăm gia đình của tôi thường kết thúc rất tồi tệ. Khi lấy chồng rồi, tôi dành nhiều kỳ nghỉ với bố mẹ, và những kỳ nghỉ đó phần lớn là kết thúc vui vẻ. Một phần vì mẹ tôi kiềm chế hơn khi có mặt chồng tôi, một phần vì tôi cũng biết dung hòa hơn. Cả hai bên cùng lùi lại, vì chồng tôi, và cũng vì bên kia lùi lại.

Tôi không thể phủ nhận là việc chứng kiến hôn nhân của bố mẹ khiến tôi gần như từng tin cách tốt nhất để có hạnh phúc chính là sống một mình. Cùng lúc đó, chính vì trải nghiệm phải làm con trong cuộc hôn nhân đó khiến tôi có hai xu hướng cực đoan, quan tâm quá đà với người tôi cho là hiểu mình, xua đuổi những người muốn gắn bó với mình. Tôi nghĩ những người hẹn hò với tôi tùy ở từng giai đoạn mà cảm thấy hoặc ngột ngạt, hoặc bất an, hoặc giận dữ với tôi.

Khi tôi cưới chồng tôi, bạn tôi cho rằng chúng tôi quá chênh lệch, không phải vì tôi gầy như mắm và chồng tôi mũm mĩm như panda, mà vì tôi là người có vẻ “sâu sắc”, suy nghĩ lắm, còn chồng tôi thì thật đơn giản, cả ngày chỉ thích nói về ăn. Một cô bạn của chồng tôi, nhắn tin cho người khác, rồi nhắn lộn cho tôi, bảo chồng tôi đúng là gã khờ vớ được vợ ngon. Bạn bố mẹ tôi, ngược lại, cho rằng tôi quá ăn may, nhìn như que củi mà lấy được chồng Mỹ.

Tôi thấy đúng là chúng tôi may mắn, nhưng sự may mắn đó san đều ở cả hai phía. Tôi chẳng thể nói hộ chồng mình, nhưng từ phía tôi, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là khi gặp anh, tôi tìm được cảm giác mà tất cả những người trước đó không thể mang lại: gia đình.

Chồng tôi, lớn lên trong một gia đình có bố mẹ ly dị, rồi trải qua tuổi mới lớn với một người mẹ kế không có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ mới lớn, vô cùng nhạy cảm, dễ tổn thương, thiếu kiên nhẫn trong một số mặt. Nhưng cùng lúc đó, anh đã đi nhiều, tiếp xúc với đủ môi trường văn hóa để bao dung, vững chãi. Vì lớn lên cùng với bất an, chúng tôi đều coi trọng việc được “một mình”. Không ai trong chúng tôi thắc mắc tại sao người kia cần đi ra ngoài mà không rủ mình, tại sao họ muốn đi đến một nơi nào khác mà không có mình. Chúng tôi quý trọng thời gian “cô độc” ngang bằng thời gian chia sẻ cùng nhau.

Nhưng quan trọng hơn hết, chúng tôi cùng trân trọng sự “nghèo”. Chồng tôi sau khi lang thang khắp thế giới, đã hiểu được tầm quan trọng của việc không sở hữu gì. Còn tôi, càng sống với thế giới phù phiếm, tôi càng tin niềm vui thực sự đến từ việc không có gì cả. Tôi không có danh tiếng, không có vị trí, không có tiền, không có nhà, không có những vật dụng đắt đỏ, cả sách tôi cũng dần cho đi hết. Trước khi lấy chồng, tôi sống trong căn nhà trọ nhỏ như tổ hobbit, với đồ đạc đủ cho một người. Giờ đây, khi sống ở Mỹ, chúng tôi cũng chỉ toàn dùng đồ người ta bỏ đi, mặc quần áo cũ, không có xe, không có phương tiện giải trí nào trong nhà, sách đi lượm. Đến cả con Emma cũng sống cuộc đời của một con chó nghèo, đồ chơi đi nhặt và được cắt tóc tại nhà.

Bản chất của gia đình, có lẽ đến từ đó, từ việc chẳng cần gì cũng vui, chẳng cần phải chứng minh điều gì, cũng chẳng cần phải có ai ca tụng, không cần cố gắng cũng đáp ứng được mong muốn của người còn lại. Bạn tôi bảo từ ngày lấy chồng tôi tươi hẳn ra. Tôi nghĩ không phải thế, tôi nghĩ tôi tươi hẳn ra, vì tôi ngừng mong muốn ở bản thân, và tôi tìm ra được niềm vui từ sự nhàm chán. Trước đây, khi còn độc thân, tôi vui kiểu độc thân, giờ có gia đình, tôi vui kiểu có gia đình. Tôi may mắn, vì tôi đã tìm ra người chia sẻ sự nhàm chán đó mình. Nhưng, quả thật tôi vẫn nghĩ, nếu không may kiểu đó, thì tôi cũng may kiểu khác. Điều quan trọng là tôi vừa lòng với cái nghèo và ngốc.

Tự răn

Dạo này tôi bị bài đè đúng nghĩa đen, nhưng cái tính hóng hớt của tôi vẫn đủ để tôi theo dõi các vụ tranh cãi. Và tôi thấy rùng mình. Nhân tiện có bài tập, tôi tự thảo ra đây cái gọi là 11 hướng dẫn khi tranh luận để không bị coi là ngớ ngẩn trên mạng xã hội. Tôi gọi ai đó ở đây là “bạn”, nhưng thực ra tôi chỉ đang nhắc chính mình. Nếu bạn cảm thấy bạn có chia sẻ ít nhiều, thì bắt tay, chúng ta là bạn nhé.

  1. Nhớ rằng một phát ngôn không phải là một con người

Đúng là phát ngôn nói lên nhiều thứ về một con người, nhưng một phát ngôn thì không đại diện cho toàn bộ con người đó. Anh phóng viên có thể vội vã phỉ báng làn da cô hoa hậu, cái đó nói lên phần nào quan điểm của anh về nữ giới và dân tộc, nhưng không có nghĩa anh hoàn toàn là kẻ cặn bã, bỏ đi.

  1. Quan điểm khác không biến người kia thành kẻ thù của bạn

Quan điểm khác nhau chính là phép màu của xã hội, khi sự đa dạng trong cách tiếp cận cho chúng ta sự đa dạng về giá trị và giải pháp. Bạn không đồng ý với quan điểm của họ, không có nghĩa bạn tồi tệ hay họ tồi tệ, bạn chỉ khác họ. Anh A có thể phản đối vụ ký vào lá đơn của gia đình bé Linh, nhưng điều đó không nói lên anh A là kẻ máu lạnh, bênh cho cái ác. Anh A vẫn yêu thương mọi người và tin vào chuyện cái ác phải bị trừng phạt, anh chỉ tin vào một cách trừng phạt/giải pháp khác.

  1. Muốn thuyết phục, phải có lý lẽ

Cái này rõ như ban ngày rồi. Nếu muốn chứng minh chân dung vua Quang Trung là chân thực, bạn cần đưa ra các tài liệu. Muốn chứng minh Hồ Ngọc Hà gây tổn hại đến giới trẻ, bạn cần có các thống kê. Bạn áp dụng cảm xúc chủ quan “Theo tôi thấy…” cũng không sao, nhưng sau đó cần giải thích.

Và vì những cái ở trên nên…

  1. Tranh luận quan điểm khác với xúc phạm cá nhân

Khi tranh cãi với ai đó vì họ khác bạn, chỉ tập trung vào quan điểm của họ. Việc của bạn rốt cuộc là thuyết phục người đó và những người xung quanh rằng quan điểm của bạn hợp lý hơn. Bạn xúc phạm cá nhân, chỉ cho thấy bạn không có khả năng lý lẽ nào để tranh luận.

  1. Tập trung vào quan điểm, bỏ các yếu tố không liên quan

Cái này rất nhiều người gặp phải. “Tưởng là phóng viên thì…”, “Học đến chừng này…” “Ăn tiền của ai phải không?” “Là người Việt Nam mà…”… Những yếu tố này chẳng chứng minh cho ai là bạn đúng hay người kia dở. Dùng đến chúng như vũ khí chỉ cho thấy sự tự ti và định kiến của bạn mà thôi.

  1. Từ ngữ chọn lọc…

Cách dùng từ có thể không thể hiện trình độ học vấn hay con người bạn, nhưng những từ ngữ tục tĩu, lỗ mãng, sỉ nhục chỉ biến cuộc tranh luận vào ngõ cụt. Nó cho thấy khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn tương đối kém, biến bạn thành thấp hơn trong vị thế trong luận với người còn lại.

Để làm tốt những cái này, nên hiểu

  1. Thế nào là khẩu nghiệp…

Cái từ khóa khẩu nghiệp này có vẻ là một vũ khí khá thịnh hành. Khi thấy ai đó có vẻ đang làm tổn thương ai đó, ta gọi đó là khẩu nghiệp. Thế nhưng, việc bạn phản đối và mạt sát người đó để bênh cho người bị tổn thương, cũng là khẩu nghiệp. Cầu nguyện cho người làm tổn thương người khác gặp tai ương, cũng là khẩu nghiệp. Cách không tạo khẩu nghiệp là đừng nói gì, nhưng còn có cách tốt hơn là dùng ngôn ngữ để hàn gắn.

  1. Đạo đức rất quan trọng, nhưng không phải cái gì cũng là đạo đức

Niềm tin của bạn, điều bạn cho là quan trọng, điều bạn cho là không được xâm phạm, điều bạn cho là giá trị cơ bản của một con người tốt, không áp dụng cho tất cả mọi người. Trên đời này không chỉ có Tốt đơn nhất. Trong cái tốt, có cái tốt A, tốt B, tốt C. Bạn cho rằng phụ nữ phải sinh con, vì đó là thiên chức của tạo hóa, không sinh con là ích kỷ. Người khác cho rằng loài người không nên đẻ thêm vì lợi ích của môi trường. Bạn cho rằng con cái không được cãi cha mẹ vì đó là bất hiếu. Người khác cho rằng tranh cãi giữa con cái với bố mẹ là thể hiện của một gia đình cởi mở. Tất cả đều đúng tùy vào nhiều thứ.

  1. Có đáng hay không?

Trước hết, bạn muốn biết bạn đồng ý/không đồng ý với quan điểm đó. Rồi sau đó, bạn muốn biết tại sao bạn đồng ý/không đồng ý. Rồi sau đó nữa, bạn tự hỏi vấn đề này có gây tổn hại tới bạn/người thân/cộng đồng hay không? Có rất  nhiều cái bạn không đồng ý, nhưng nó có đáng cho bạn tranh luận hay không lại là chuyện khác.

  1. Cái bạn không tin, vẫn có thể xảy ra

Vì thế giới này đa dạng hơn bạn tưởng. Bạn cho rằng một người mẹ sẽ không bán con vào ổ mại dâm? Thế mà vẫn có đó. Bạn không chấp nhận rằng một người bỏ mặc cha mẹ vẫn có thể là người tốt? Đó là vì bạn không tính đến những gì đã xảy ra giữa họ và bố mẹ. Nếu một phụ nữ bị mẹ bán vào ổ mại dâm, thì cô ấy sau này có được quyền bỏ mặc mẹ không?

  1. Nếu bạn chọn

Làm người thích chửi tục, mạt sát, sỉ nhục người khác khi tranh luận thì đó cũng là quyền của bạn. Chỉ có điều, bạn sẽ thấy rằng rốt cuộc bạn làm thế, vì cái niềm vui được hạ người khác xuống thấp hơn bạn, được chứng minh bạn đúng, được hưởng chút niềm hỉ hả tự tin, được xả sự giận dữ. Cái này, cũng như thuốc phiện, chỉ khiến bạn lâng lâng vài phút, vài giờ. Tranh luận có văn hóa là cánh cửa mở ra cơ hội học hỏi. Nếu bạn không thích học hỏi cũng không sao, vì luôn luôn có những người giống bạn.

 

Chờ trong im lặng

Hôm nọ, khi vụ phanh phui Harvey Weinstein nổ ra, tôi tự hỏi: “Tại sao phụ nữ chọn im lặng khi bị quấy rối, tấn công tình dục, kể cả khi kẻ quấy rối, tấn công họ không có quyền lực gì?” Rồi tôi đọc một loạt nghiên cứu về vấn đề này, rồi quanh đi quẩn lại, kết luận tôi thấy là nạn nhân của xâm hại tình dục sợ miệng đời còn hơn cả sợ kẻ tấn công họ.

Một tuần trước khi rời Việt Nam, tôi ngồi coi một bộ phim tài liệu trên Netflix có tên là Audrie & Daisy. Audrie dự một bữa tiệc, uống rượu và thiếp đi, bị mấy thằng bạn cùng trường lột đồ sờ soạng, chụp ảnh lại và đưa lên internet. Cả trường bắt đầu nhắn tin sỉ nhục, nhạo báng cô bé, chia sẻ những tấm ảnh đó khắp nơi. Và một vài ngày sau đó, cô bé tự sát.

Daisy, 14 tuổi, cùng một cô bạn bí mật đến dự một bữa tiệc với mấy gã bạn chung đội bóng của anh trai, và ở đó, cô bé và bạn mình bị chuốc rượu. Daisy được tìm thấy trong tình trạng quần áo xộc xệch, gần chết cóng giữa băng tuyết trước cửa nhà, và sau đó, ở bệnh viện, được phát hiện là đã bị cưỡng hiếp.

Tuy nhiên, vụ án của cô bé rơi vào ngõ cụt, những kẻ cưỡng hiếp cô phủ nhận, nói rằng đó là quan hệ đồng thuận. Điều đáng kể, chúng là con cháu của những gia đình được trọng vọng, là những vận động viên nổi tiếng của trường, “có thể ngủ với bất kì cô gái nào, tại sao phải cưỡng hiếp Daisy?”. Vụ xét xử diễn ra, tòa không tìm ra đủ bằng chứng cô bé bị cưỡng hiếp. Chúng chỉ bị kết tội vì đã chở cô bé về nhà rồi quăng cô bé trước cửa giữa trời đông băng giá. Những ngày sau đó, cả cộng đồng sỉ nhục, tấn công, gọi Daisy và gia đình cô là dối trá, bọn thèm muốn danh tiếng, gọi Daisy là điếm, là nỗi nhục của cộng đồng. Và đỉnh điểm, họ đốt nhà cô bé, buộc cả gia đình phải chuyển về thành phố cũ, nơi họ đã rời bỏ để quên đi nỗi đau mất cha vài năm trước. Daisy rơi vào trầm cảm và toan tự sát nhiều lần, không chỉ vì bị cưỡng hiếp, mà còn bị cả cộng đồng sỉ nhục, vì nỗi đau khổ khi vì cô mà cả gia đình chịu khổ.

Bộ phim tài liệu này kéo tôi ra khỏi mối quan tâm lớn nhất của tôi lúc ấy – mạng xã hội và thực phẩm organic – sang một vấn đề khác: Cyberbullying. Nói chung, bộ phim giúp mắt tôi mở to hơn về chuyện ứng xử khi một nạn nhân của quấy rối tình dục/cưỡng hiếp lên tiếng. Có thể nhiều người, dù họ có học thức tới đâu, sẽ khó mà nhận ra rằng phản ứng gần như tức thì của họ khi nghe một phụ nữ than phiền về chuyện bị quấy rối là sự trách mắng: Sao lại ăn mặc như thế? Sao lại đi vào chỗ ấy? Sao lại uống rượu? Sao lại cả tin? Sao lại tự đẩy mình vào tình huống ấy? Ngu thì chết!

Hoặc, như với những người trong câu chuyện của Daisy, đàng điếm cho lắm rồi lại đổ tội cho đàn ông.

Sang Mỹ rồi, đọc nhiều nghiên cứu rồi, tôi mới thấy rằng hóa ra con người ở đâu cũng như nhau cả. Dù thế nào đi nữa, dù ở đâu đi nữa, nạn nhân của tấn công tình dục cũng dễ trở thành người bị chỉ trích đầu tiên. Và quần chúng thường tin lời của kẻ tấn công hơn là lời của nạn nhân. Bởi vì sao? Bởi nỗi sợ hãi không muốn chấp nhận những điều khủng khiếp “Làm gì có chuyện ấy trên đời!”, bởi thói quen đổ tội cho nạn nhân “Cô tự rước vào mình rồi kêu cái gì nữa!”, bởi vì nhiều khi không đủ chứng cứ để tòa kết tội kẻ cưỡng hiếp, bởi vì nhiều khi nạn nhân không dám lên tiếng sau nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều năm sau… khi mọi chứng cứ đã mất.

Và khi không có đủ chứng cứ để chứng minh, thì nghĩa là cô ấy nói dối, nghĩa là cô ấy cần danh tiếng, nghĩa là cô ấy muốn được lên báo lên đài. Dưới bất cứ một câu chuyện do nạn nhân xâm hại tình dục nào chia sẻ, cũng có những bình luận kiểu như vậy, và nhiều bình luận kiểu như vậy, dù Tây hay ta.

Và rồi khi quan sát những điều ấy, tôi lại tự hỏi: “Nếu với phụ nữ đã khó khăn như vậy, thì với nạn nhân là đàn ông, việc kể ra câu chuyện của họ còn khó khăn đến thế nào?”.

Cách đây không lâu, chủ biên một trang thông tin mạng, share lên Facebook của câu ấy một bài báo về một người đàn ông bị tấn công và cưỡng hiếp với caption có bao gồm hai chữ “buồn cười”. Trong phần comment, bạn bè cậu vào cười góp. Tôi vào, comment: “Tại sao lại buồn cười vậy em? Vì đây là fake news?” Cậu không trả lời tôi, chỉ “like” comment của tôi. Tôi thực sự hy vọng cậu ấy buồn cười vì cho đó là fake news – dù chuyện đó cũng chẳng đáng buồn cười – chứ không phải vì chuyện một người đàn ông bị cưỡng hiếp.

Bởi vì mọi chuyện đều có vẻ buồn cười và khó tin, cho đến khi nó xảy ra với bạn – hoặc người thân của bạn.

Gần đây, tờ báo tôi từng gắn bó bốn năm, có một video phỏng vấn hai nạn nhân bị xâm hại tình dục, một trong số họ kể lại câu chuyện của một cô bé bị bố xâm hại, rồi sau đó còn nhắn tin cảm ơn con. Dù không còn làm việc cho tờ báo đó, nhưng vì vẫn trò chuyện thường xuyên với các bạn biên tập, nên tôi được update câu chuyện liên tục. Và tôi biết họ có đủ thông tin, cơ sở để khẳng định câu chuyện đó có thật. Tuy nhiên, khi video kia được một vài trang mạng dẫn lại, sau đi đã cắt đi phần lớn những chia sẻ của hai nạn nhân bị xâm hại về nỗi đau của họ, chỉ tập trung vào đúng câu chuyện về cô bé và người bố kia, hàng nghìn người đã nổi trận lôi đình. Họ phân tích câu chuyện kể, và họ cho rằng thiếu logic dối trá. Và họ, đương nhiên, cho rằng mình có lương tri, phẫn nộ chỉ trích cả tờ báo, lẫn người kể chuyện. Họ dẫn ra những người chứng minh người kể ra chuyện ấy là kẻ chuyên nói dối, hám danh vọng. Những người quyết đi tìm đến tận cùng sự thật, lập tức đi tìm danh tính cô bé. Và cộng đồng nơi cô bé kia kể ra câu chuyện, đã làm điều đúng đắn nhất trong tình huống ấy, họ giúp cô bé giấu đi danh tính, chặn những người muốn đào bới thêm, và cho cô bé khoảng riêng để suy nghĩ xem mình nên làm gì.

Tôi có giận tờ báo và người đã kể ra chuyện đó không? Có! Một trong những nguyên tắc quan trọng mà tôi học được từ sớm, là khi có ai đó ở độ tuổi được pháp luật xếp vào nhóm có thể đồng thuận, kể cho bạn nghe câu chuyện họ bị xâm hại, việc của bạn là bày tỏ lòng tin, sự ủng hộ của bạn dành cho họ. Nhưng, việc kể ra câu chuyện đó cho bất kì ai, dù là với cảnh sát, là quyền của họ. Đó không phải việc của bạn.

Nhưng, chính nhờ đã xem Audrie & Daisy, tôi hiểu rằng sẽ chẳng có ích gì nếu tôi gào lên rằng: “Bực mình à nha!” vào lúc ấy. Bởi vì ít người bực mình việc ấy, những người đang nổi giận kia, họ đang cho rằng tất cả là bịa đặt, họ đang cho rằng tờ báo và người kể chuyện kể chuyện khiêu dâm câu view. Họ có quyền nghi ngờ, tất nhiên rồi. Nhưng khi còn đang nghi ngờ, họ đã sỉ nhục, tấn công, trích dẫn những nguồn thông tin chẳng cần kiểm chứng. Giữa một bên là đám đông hỗn loạn nhân danh đạo đức, và một bên là những nạn nhân của xâm hại tình dục, tôi chọn ủng hộ nạn nhân.

Cho đến một ngày, một người bạn của tôi, vào Facebook tôi, chất vấn rằng tại sao tôi lại im lặng, tôi có sẵn lòng ủng hộ sự dối trá cho mục đích tốt đẹp? Thực ra tôi cho rằng mình hiểu người bạn ấy, anh cũng như nhiều người khác, nghi ngờ câu chuyện vì anh là người tốt, là người muốn đặt sự sáng suốt lên trên cảm tính thông thường. Chỉ có điều, anh không biết rằng ngay từ đầu, tôi chưa bao giờ nghi ngờ câu chuyện kia cả. Bởi vì tôi có thông tin, bởi như tôi nói, “mọi chuyện đều có vẻ buồn cười và khó tin, cho đến khi nó xảy ra với bạn”.

Nhưng cũng kì lạ thay, người ta chọn tin những lời kể xấu về người khác thay vì câu chuyện ấy. “Vì nghe có vẻ đáng tin hơn!”. Và họ cho mình quyền sỉ nhục một người họ cho là đáng nghi. Như thể người ta có thể giết chết một thanh niên lạ mặt vào làng, chỉ vì cho rằng anh ta ăn trộm chó.

Thế nên, tôi nghĩ mình nên viết ra blog này, chỉ để trong sự ồn ào đã và sẽ đến với bất cứ nạn nhân của xâm hại tình dục nào kể ra câu chuyện của họ, tôi mong họ biết rằng sẽ luôn có người tin họ. Kể ra câu chuyện ấy là một hành động dũng cảm. Việc bạn là nạn nhân không phải lỗi của bạn, dù sẽ có hàng nghìn người cố chứng minh cho bạn thấy bạn có lỗi. Khi bạn kể ra câu chuyện ấy, sẽ luôn có người tìm cách chứng minh với cả thế giới rằng bạn đang nói dối, bạn đang tìm kiếm danh tiếng. Và sẽ luôn có người tin vào những lời suy đoán ấy, và sẽ luôn có một nhóm người chỉ trích bạn. Có những người sỉ nhục bạn, chỉ vì họ cũng có nỗi uất ức riêng chẳng biết trút vào đâu. Những người đó sẽ luôn ở đó. Nhưng những người tin bạn, ủng hộ bạn, sẽ cùng bạn tìm lại sức mạnh của mình cũng ở đó.

Và tôi cũng mong tất cả những ai đang mau tay gõ những lời chỉ trích một ai đó khi họ kể ra câu chuyện họ bị xâm hại hãy tự hỏi mình: Bạn có cần phải làm việc đó không? Bạn cảm thấy chuyện ấy rất khó tin, bạn mong rằng họ phải khóc lóc, run rẩy khi kể. Bạn không chấp nhận ai đó có thể bình thản mà kể lại những chuyện đáng sợ như vậy. Nhưng bạn cũng nên hiểu rằng, để có được sự bình thản bên ngoài ấy, một nạn nhân có thể đã phải qua hàng triệu giây phút đớn đau, tự nhiếc móc bản thân, hoài nghi về sự tồn tại của họ. Mọi chuyện đều có vẻ khó tin, cho đến khi nó xảy ra với bạn.

Và tôi xin gửi tới tất cả các bạn tôi, những người cho rằng tôi giả vờ, hoặc tôi quá ngây thơ khi tin vào mọi câu chuyện người này người kia bị xâm hại tình dục: Tôi thà chọn làm người ngây thơ, còn hơn làm một người cay nghiệt.

Gần đây, tôi xem loạt phim Shetland, cũng trên Netflix, trong đó có một nữ thanh tra đã bị một gã luật sư muốn đổi đời làm trùm mafia đánh bẫy, bị bắt cóc và cưỡng hiếp. Cô tìm mọi cách để đổ lỗi cho bản thân, vì cô là một cảnh sát mà lại để bị dắt mũi và tự đẩy mình vào nguy hiểm. Khi cảm thấy không ai xung quanh có thể chia sẻ với mình nỗi đau khổ ấy, cô gọi cho hotline dành cho nạn nhân bị cưỡng hiếp, và không thể cất nên lời khi bên kia nhấc máy. Người ở đầu dây kia nói: “Tôi vẫn giữ máy ở đây, bạn không cần vội, hãy cứ hít thở và kể cho tôi nghe khi bạn đã sẵn sàng!”.

Tôi lặng người khi xem đoạn phim ấy. Vì tôi cảm thấy, ước gì, ước gì, ước gì tất cả chúng ta được học về điều ấy, học về nỗi đau đớn không thể thốt nên lời của một nạn nhân. Và để chúng ta có thể nghi ngờ, chúng ta có thể không hiểu họ, nhưng đủ kiên nhẫn để chờ họ nói, trong im lặng.