Ai cho tôi quyền??

Sau entry gây cãi cọ của tôi hôm trước, tôi đã tạm gác chuyện Sát thủ đầu mưng mủ sang một bên.

Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn diễn ra. Cho dù NXB Mỹ Thuật có đưa ra lý do nào đi nữa thì gần như ai cũng biết nguyên nhân thực sự khiến cuốn sách này bị tạm dừng phát hành là gì. Tôi không tranh luận bàn chuyện cuốn sách tốt hay kém, nghiêm túc hay nhảm nhí… Tôi không tranh luận gì ở entry này cả, nên các bạn đừng nhảy vào, rầu óc. :) Ngay cả những cuốn giờ được bao nhiêu người say mê như Catcher in the rye, To kill a mockingbird khi mới ra mắt cũng đã gây ra biết bao tranh cãi.

Nhưng điều quan trọng nhất là: bạn được tranh cãi, bạn được quyền lựa chọn, bạn được quyền chỉ trích và bạn được quyền ủng hộ, bạn được quyền tạo ra những thứ nghiêm túc hoặc những thứ nhảm nhí… Những cái đó, rất tiếc, không có ở đây.  

Tôi vốn đã không bình luận về những việc ngu xuẩn từng xảy ra trước kia như việc cấm Sợi xích, hay chuyện tác giả cuốn Lệ Chi Viên gì đó bị kiểm điểm… Nhưng với những người ủng hộ việc thu hồi sách (bất kể cuốn sách nào) thì tôi thấy đáng tiếc, vì họ tưởng rằng họ đang bảo vệ một điều gì đó, họ tưởng họ chiến thắng ai đó.  Họ chỉ đang tước khỏi người khác (và chính họ nữa) quyền được lựa chọn.

Và một cái tuy nhiên nữa, phải cảm ơn những thứ như Sát thủ đầu mưng mủ, nhờ những chuyện này mà nhiều người Việt Nam quên mất vài chuyện, ví dụ như đất nước có ngôn ngữ trong sáng và đạo đức bậc nhất này cũng đang ở trong số những nước lạm phát cao nhất thế giới. Tình cảnh này thật không khác gì bức tranh trong cuốn sách, ông xà lách đang nước mắt ngắn nước mắt dài cầm cái bằng khen công tích trước khi vào nồi.

Hôm nay, Linh Nâu viết một note trong facebook, tôi đọc mà thấy buồn. Và tôi nghĩ, bất cứ ai đã từng làm trong một công ty sách và thực sự quan tâm tới sách (dù họ có thích hay ghét Nhã Nam) đều cảm thấy chia sẻ được ít nhiều. Vì thế, tôi dán lại ở đây cho mọi người cùng đọc. (Lưu ý rằng tất cả quan điểm dưới này là của Linh Nâu, dù bạn có đồng ý với bạn ấy hay không thì tôi cũng không bình luận gì nhé).

Lại chuyện mưng mủ

“Chúng tôi và NXB Mỹ Thuật cũng mới ra một sê-ri 3 cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” rất đầy đủ và có nhiều ý nghĩa giáo dục với những câu như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Chẳng qua là không ai chú ý mà thôi!” – Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc NXB Nhã Nam – Trích trong một phỏng vấn gần đây.-

http://vtc.vn/538-306734/giao-duc/sat-thu-dau-mung-mu-chac-gi-da-ngoa.htm

Mấy hôm nay hôm nào tôi cũng được cười như ma làm vì vụ Sát thủ đầu mưng mủ. Tôi không ngạc nhiên về việc sớm muộn người ta cũng sẽ tuýt còi, vì bất cứ cái gì mơi mới khác thường đều rất gợi đòn ở cái xứ này, hihi. Hơn nữa, là công dân của một đất nước nơi người ta từng bị chém đầu chỉ vì nhắc đến tên ai đó, tôi không ngạc nhiên trước bất cứ sự kiểm duyệt nào. Điều làm tôi ngạc nhiên và không ngừng làm tôi ngạc nhiên là sự cuồng nộ của đám đông nhân danh đạo đức và tiếng Việt. Trong số đám đông này, số lượng đã thực sự mua cuốn sách hẳn rất ít, vì chắc chắn NN chưa kịp in hết số đăng ký là 5000 thì còi tứ phía đã thổi lên :)). Thế mà số lượng người phẫn nộ vẫn thật là đáng kinh ngạc. [[Hãy đọc comment phản hồi dưới bất cứ bài viết nào liên quan tới cuốn sách nhỏ này!] Không đọc sách cũng ném đá, đọc bản lậu cũng ném đá, tác giả tranh bức xúc vì bản quyền, ném đá nốt. Thiệt tình, có lẽ nên đề nghị cho ném đá tập thể vào nội dung thi đấu Sea Games 26, có khi đội VN ta không cần tuyển cũng sẽ dành được thứ hạng cao:p

Ngoài ra tôi thấy ngạc nhiên là tại sao ngần ấy người đòi tính giáo dục ở sách vở, ngần ấy người thiết tha đến thế với sự nghiệp giáo dục tiếng Việt cho con cháu, vậy mà những bộ sách được đầu tư rất nhiều tâm huyết và đậm đặc chất giáo dục lại bán ế đến vậy? Trong một bài phỏng vấn ông PGD Nhã Nam đã nói, “Chúng tôi và NXB Mỹ Thuật cũng mới ra một sê-ri 3 cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” rất đầy đủ và có nhiều ý nghĩa giáo dục với những câu như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Chẳng qua là không ai chú ý mà thôi!” Đó là một thực tế hầu như không cần chứng minh. Không hiểu đã bao nhiêu người đang kêu  gào về giáo dục kia đã từng bỏ tiền ra mua một cuốn sách MANG TÍNH GIÁO DỤC? Ngoài sách giáo khoa? :p

Sự kêu gào phẫn nộ đến phi lý của đám đông còn thể hiện một thực tế rằng số người đọc sách đang thực sự ít ỏi ra sao. Nếu đọc đủ sách, nếu là người có thói quen đọc, người ta sẽ hiểu rằng “sách” là một từ rộng lớn. Có sách giáo khoa thì cũng có sách giải trí, có sách kinh viện thì cũng có sách bình dân. Tôi ngạc nhiên vì người ta đòi hỏi một thứ thuộc loại A phải có đặc điểm của loại B, trong khi đơn giản là cứ chọn luôn loại B và bỏ qua loại A. Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi chỗ này, nếu không suy diễn rằng trong đầu của họ hoàn toàn không có khái niệm loại nào. Họ mù mờ, và chỉ biết A B là chữ cái.

Chán hơn cả là những lời kêu gọi “Nhà nước phải có trách nhiệm!” “Các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc!” Đến bao giờ người ta mới thôi buộc tội nhà cầm quyền vì những lựa chọn của bản thân? Khoan hãy nói đến việc vài nghìn bản ín của một cuốn sách con con có thể phá hoại những gì, báng bổ những gì (những gì???), riêng việc coi nhà cầm quyền có trách nhiệm phải CẤM cửa những thứ không vừa mắt mình, đã là một bước tụt lùi về văn minh.

Thôi trong khi chờ sóng gió về với mây ngàn, xin trân trọng giới thiệu với các bạn một số đầu sách đậm chất giáo dục khác để các quý vị ít đi hiệu sách có thêm lựa chọn. Gợi ý này không hề mang tính mai mỉa, xin đừng sợ:

1. Bộ cổ tích của Nhã Nam, vẽ rất đẹp, lời được chăm chút, Đeo nhạc cho mèo do Bút Chì vẽ và Người Hóa Hổ của Thành Phong vẽ đều đã được giải thưởng quốc tế về tranh vẽ.

Gồm 16 cuốn: Sự tích dưa hấu, Sự tích trầu cau, Ai mua hành tôi, Cây tre trăm đốt, Nghêu sò ốc hến, Quạ và Công, Trương Chi, Đeo nhạc cho mèo, Chàng ngốc học khôn, Bốn anh tài, Từ Thức gặp tiên, Người hóa hổ, Giận mày tao ở với ai, Phù thủy sợ ma, Quận gió, Giết chó khuyên chồng.

2. Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam

Hầy, có rất nhiều, nhưng đây là những gợi ý ưu tiên cho những ai vừa thích thành ngữ tục ngữ chính thống vừa thích tranh vẽ. Rõ ràng là có nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin rằng những người mua Sát Thủ Đầu Mưng Mủ và ủng hộ nó cũng sẽ là những người mua những cuốn sách nghiêm túc khác. Còn những người còn lại, đa số họ chẳng đọc sách gì, đừng nói đến chuyện mua sách. Họ đọc báo mạng, coi ném đá đơn giản chỉ là môn thể thao giải trí, và đạo đức là trang phục yêu thích. Phong cách của họ là nguy hiểm. Nên tôi tranh thủ gợi ý PR cho sách ế vậy thôi, chứ không mong cải thiện tình hình.

6 thoughts on “Ai cho tôi quyền??

  1. Có khi nào trong số những người không mua cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” có những người không cần thiết phải mua, vì họ có khả năng dạy em, con, cháu họ tốt hơn cả quyển sách đó không ? Có khi nào NXB Mỹ Thuật nên xem lại vì sao “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của họ lại bán ế mà chả ai thèm biết đến không ? Tại sao không nhìn lại vấn đề từ góc ngược lại ?

    Một cuốn sách mà cả người làm lẫn người đọc đều không phân biệt được đâu là thành ngữ, đâu là thể loại ngôn ngữ nói suồng sã thì có hàm lượng giáo dục như thế nào ?

    Tôi không ủng hộ ngay cả việc xuất bản Sát thủ… Cái đoạn “Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin rằng những người mua Sát Thủ Đầu Mưng Mủ và ủng hộ nó cũng sẽ là những người mua những cuốn sách nghiêm túc khác. Còn những người còn lại, đa số họ chẳng đọc sách gì, đừng nói đến chuyện mua sách.” quả là võ đoán và chủ quan, mà tôi là một dẫn chứng điển hình của điều ngược lại.

    Like

  2. Haizzz. Thôi thì, tùy thuộc bạn thôi. Bạn không thích nó thì tùy, bạn thấy nó kém cỏi hay không thích quan điểm của Linh Nâu cũng tùy, còn nếu bạn ủng hộ chuyện thu hồi nó thì tôi chỉ có ý kiến là bạn đọc lại đoạn đầu tiên tôi đã viết vậy. Cảm ơn bạn đã đọc entry của tôi. :)

    Like

  3. “Và một cái tuy nhiên nữa, phải cảm ơn những thứ như Sát thủ đầu mưng mủ, nhờ những chuyện này mà nhiều người Việt Nam quên mất vài chuyện, ví dụ như đất nước có ngôn ngữ trong sáng và đạo đức bậc nhất này cũng đang ở trong số những nước lạm phát cao nhất thế giới”

    vậy đất nước lạm phát cao, thì phải vô đạo đức ah bạn. câu nói này ko hiểu được !?

    Like

  4. MM ơi, mình muốn mua STĐMM, mấy hôm rồi mẹ mình ốm, chưa đi mua được, cứ đinh ninh thể nào cũng rước về được ai dè bây giờ muốn mua cũng chả biết mua ở đâu! MM chỉ cho mình chỗ còn bán sách đi hoặc bán chui cũng được. Cảm ơn MM nhiều nhiều!

    Like

  5. Bạn hahaconma: Bạn không hiểu được sao? Chà, câu hỏi của bạn đáng buồn tới mức tôi không biết phải trả lời thế nào. Blog của tôi không có tính giáo dục cao lắm nên tôi không thể hướng dẫn thêm về logic học được. :)

    @Vịt Bụp: Em đã nhắn vào email của chị rồi nhé.

    Like

  6. “Có khi nào trong số những người không mua cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” có những người không cần thiết phải mua, vì họ có khả năng dạy em, con, cháu họ tốt hơn cả quyển sách đó không ? Có khi nào NXB Mỹ Thuật nên xem lại vì sao “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của họ lại bán ế mà chả ai thèm biết đến không ? Tại sao không nhìn lại vấn đề từ góc ngược lại ?”

    Nó bán ế bởi vì nó đã quá nhàm chàn, quá củ kĩ ai ai cũng biết. Mình thì nghĩ vậy, còn theo bạn thì sao? Và nếu như bạn đọc 1 câu mà bạn không phận biệt được là tục ngữ hay câu nói đùa thì tôi khuyên bạn nên đi học lại lớp 1, nhớ mua thêm cuốn Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam

    Và điều cuối cùng, bạn ráng hiểu giùm: nếu bạn không thích thì đừng mua, hãy để những người yêu thích mua nó. Nó đồi trụy hay không, tự họ là người quyết định, không cần bạn phải quyết định giùm họ. Chẳng lẽ cái quyền tối thiểu được lựa chọn cũng bị ngăn câm ư?

    Like

Leave a comment