Chậc! I’m coming

Giá trị của việc internet ở nhà chết là tôi có rất nhiều thì giờ để viết. Tôi viết được một đống. Dễ có khi nếu các anh FPT đẹp trai không nghiên cứu gì đường dây một tháng, tôi sẽ viết ra hai cuốn tiểu thuyết rẻ tiền và khối kịch bản nhảm nhí. Tuyệt nhất nữa, là tôi chẳng còn băn khoăn gì tới những thứ công việc trời đánh của cái lũ cách xa cả nửa vòng quả đất, không đọc báo mạng, xem ảnh nude, tôi vểnh râu nằm xem phim và tôi nghĩ.

Tôi thích nhất trên đời là nghĩ. Nó chứng minh cho ta thấy rằng ta đang sống, sống rõ ràng, không phải chỉ có một nhúm thịt, xương, da, lông… tổng cộng 42kg đang ì ra đó. Tôi nhớ lại những thứ đã bỏ quên, muốn viết chúng ra.

Tôi lại muốn viết tiếp về tuổi thơ của tôi, về ngôi nhà có cái hồ phía trước, bên kia cái hồ là đám bạch đàn mà không hiểu thằng cha lãnh đạo ngu ngốc nào thời đó đã quyết định trồng, và chả bao giờ dùng vào việc gì. Tôi đã quên đi khá nhiều. Tôi không nhớ cây hoa mõm sói cuối cùng sống trong vườn nhà là khi nào, cây hương nhu cuối cùng của mẹ tôi mọc ở đâu… Tôi thậm chí không nhớ rằng, có thực nhà tôi đã có một cây na dai từng cho quả hay không. Dù sao, rất nhiều điều với tôi rất mờ nhạt, vì tôi tếch ra khỏi nhà từ khi 15 tuổi, đi thẳng một mạch. Tôi quên mặt gần như tất cả đám người không thuộc gia đình tôi ở thị trấn đó.

Những người sống quanh đó đều nhớ tôi là ai, hồi nhỏ tôi xấu xí ra sao, chân lúc nào cũng đi thò ra rất nhiều khỏi mũi dép, mặc quần chó cắn không tới gấu, đi tất nhưng không đi giày. Lũ bạn tôi có một đề tài muôn thưở khi gặp lại tôi là nhắc lại cái tôi của ngày xưa, đó là trò vui của họ, cũng vì chúng tôi chả còn gì chung mà nói tới. Thực ra thì tôi chẳng khác ngày xưa mấy, vẫn cứ lôi thôi, bạ gì mặc nấy. Chỉ là cái xã hội tân tiến này xem ra không kỳ thị chuyện đó lắm, mà nếu nó kỳ thị, thì chân thành mà nói, tôi kệ xác. Nhưng nghe họ nhắc lại mình khi đó là một điều rất lạ. Mỗi khi nghe họ nói lại những chuyện cũ, tôi sẽ cố tưởng tượng lại xem hình ảnh đó là khi nào, thậm chí tôi cảm thấy hình như đó là một đứa bạn khác, còn tôi khi đó là thế nào đấy, như một con nhện trên tường. Những ngày còn bé quả là rất thú vị.

Ngày trước, có lần tôi nghĩ tôi có thể cứ thể toèn toẹt kể hết những thứ tôi nhớ ra, sau đó tôi có thể in thành sách và bán rất hoành tráng. Nhưng gần đây, tôi thấy rõ ràng mình không có tuổi thơ dữ dội, không bị bán cho nhà thổ, không bị ai thiêu sống cả… Một cuốn sách về tuổi thơ yêu dấu mà chả có tí ý vị nữ quyền nào thì chả có ai thèm mua, trừ khi nó bán đại đại hạ giá tới mức mấy bà bán bánh mỳ có thể mua về làm giấy bọc. Nghĩ lại, tôi đã cực kỳ sai lầm khi mà để bố mẹ tôi quyết định rằng tôi nên học lớp Văn thay vì lớp chuyên Pháp. Tôi chưa thấy cái thứ nghệ sỹ nào trên đời mà bị chửi nhiều như nhà văn hay nhà thơ cả. Nhưng cái thời tôi 15 tuổi, nhảy vào cái trường cấp ba chuyên thì tôi tin rằng làm nhà văn thật oách.

Bố mẹ tôi tưởng là tôi giỏi văn lắm, vì tôi đọc tiểu thuyết 3 xu từ hồi lớp 4, đọc ké của một chị chàng học lớp 12. Cô giáo chủ nhiệm của tôi khi đó còn trẻ ranh hơn tôi hai năm trước, chả biết nghe đứa dở hơi nào mách, đã quát tôi một trận. Mà khi đó, nàng gọi cả cái đám sách đó là tiểu thuyết. Tôi còn nhớ y nguyên câu của nàng: “Tôi nghe nói em còn đọc cả tiểu thuyết nữa đấy nhé, coi chừng tôi!” Tôi nghĩ rằng nàng giáo viên ấy chưa từng đọc lấy một cuốn sách nào trong đời, vì nàng có hiểu biết nhất định, nàng sẽ biết tiểu thuyết là cái gì. Ấy thế mà, cách đây có vài ba năm thôi, một hớn hở đại ca hơn tôi 3 tuổi còn kể cho tôi nghe anh từng đọc “truyện ngắn Bố già”. Thật là yêu kinh lên được cái thời kỳ đổi mới. Nhưng cái đám 3 xu đó không hay bằng đám thư tình 5 xu của bố tôi. Ngày đó, bố mẹ tôi cột thư lại thành một chồng to tướng, xếp trong tủ đựng giấy tờ của bố. Tôi đã đọc hết toàn bộ đám đó, ngày nào tôi cũng dúi đầu vào cái tủ để đọc, như hóa rồ. Tôi đoán thời yêu đương ngày nào cụ ông cũng viết thư, mà cụ yêu cụ bà không phải một hai năm mà là mười năm. Chậc, giờ tôi đang ao ước có ai đó yêu tôi độ 10 ngày mà cũng chẳng có. Nhưng mấy cái thư lâm li bi đát của bố tôi chẳng có ấn tượng gì lắm, tôi có thuộc vài ba câu sến chết mấy đời luôn. Cái thư tôi nhớ nhất là có mở đầu bằng câu: “N thân, mình nhớ N lắm, bao lâu rồi chúng ta không được gặp nhau, không được nằm ngủ cùng nhau… blah blah”. Đó là thư ông bạn thân của bố tôi – giờ chú chàng đã già, mập lùn và chả bao giờ thấy ghé nhà tôi chơi trừ dịp lễ tết. Lá thư thứ hai là của bà nội tôi gửi cho bố tôi. Thư của bà tôi không có mở đầu, kết luận, không có chấm câu, không có chúc tụng gì cả. Cả thư là những thông tin về gia đình và câu “mẹ rất thương con” nhắc đi nhắc lại nhiều lần chen giữa các câu chuyện. Tôi nghĩ mấy lời đó hay hơn chán vạn những câu có cả cánh cả càng của bố gửi cho mẹ thời yêu đương. Nhưng, đọc thư của người khác cũng như xem một bộ phim về những người hàng ngày vẫn sống cạnh mình, dù có tẻ mấy vẫn cứ hấp dẫn.

Mà không hiểu sao, hồi bé tôi có nhiều thì giờ tới thế. Nhà tôi nuôi cả đám chó mèo, và ngoài làm những thứ ngớ ngẩn như trên tôi vẫn còn có thì thời gian với cả đám chó mèo đó. Trong số các chàng cún, oách nhất có một em tên là Minu.
Chả hiểu sao mẹ tôi lại gọi nó là Minu thay cho Milu, bà không lẫn l n tí nào. Em Minu đó là một con chó lai giống gì đấy, em nó to tướng, tai dài thượt và bàn chân rất khệnh khạng. Mẹ tôi cưng em cún này hơn bất cứ con gì trong nhà. Hàng ngày, mẹ tôi đích thân ra tay nấu nướng cho em nó ăn, lại còn thường xuyên tiêm phòng, chải lông cho em nó. Mà em Minu đó quái thay lại rất ngoan, nó sủa người lạ và mừng người nhà, biết đuổi gà và không ăn vụng, chó nhà tôi nuôi được như thế là hiếm lắm. Hàng ngày, khoảng 5h30’ chiều, khi cái loa phóng thanh của thị trấn í ới phát bài hát ca ngợi Đảng và quê hương, em Minu sẽ lấy đà, phi từ trong ngõ, băng qua đường, nhảy ùm xuống hồ trước nhà. Em nó tắm, nhu cầu tự nhiên, ngày nào cũng thế, bơi một vòng rồi lướt thướt chạy lên, lắc người giũ nước rất xốn. Phải nhìn thấy em nó khi đó mới thấy oai cỡ nào. Tôi chưa bao giờ thấy lại con chó thứ hai như thế. Sau này, vì bản tính hống hách của mình, em đã bị một thằng nào đó xấu xa như con ma mắt lác chém. Vết thương quá nặng, không cứu được, em qua đời. Mẹ tôi than tiếc mãi. Còn tôi, tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nuôi trong đầu cái ý nghĩ, nếu tôi biết cái thằng ôn nào chém em Minu của tôi, tôi sẽ cho nó một nhát tương tự, rồi tôi bắt nó phải học tất cả các môn chính trị triết học của ĐH VN trong một tháng, thế mới đáng kiếp. Tổ cha nó!

4 thoughts on “Chậc! I’m coming

  1. Nhắc lại CT với Tr học của ĐHVN mà gai hết cả người! Gai xong buồn nôn không tả được! Chả hiểu tại sao hồi đó mình lại thi qua được, “siêu hình” thật!!!

    Like

Leave a comment