Khởi sinh của chiều mưa

khởi sinh của cô độc
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nước dâu tự ngâm và quá trình gõ ra cái entry này trong một chiều mưa.

Nếu bạn hỏi tôi có thực sự say mê Paul Auster hay không, có lẽ câu trả lời sẽ là không. Thế nhưng cuối cùng “nhạc đời may rủi” sao đó tôi lại được đề nghị dịch cuốn Invention of Solitude. Giai đoạn dịch cuốn sách này là một giai đoạn khá khó khăn đối với tôi, cả trong đời sống lẫn tình cảm riêng tư. Và Invention of Solitude trở thành một nơi cho tôi trốn vào đó, cho dù tôi cũng phải gói ghém thời gian mới trốn được. Kể cũng hay phải không, ta trốn sự cô đơn bằng cách dịch một cuốn toàn nói về cô đơn/cô độc của người khác.

Tên cuốn sách được dịch sang tiếng Việt là Khởi sinh của cô độc, nhưng đó là lựa chọn của người khác, không phải của tôi. Thế nên tôi sẽ không bàn gì về cái tên đó cả. Và nói chung, việc nhận xét về bản dịch là việc của người khác, ở đây tôi chỉ nói về cuốn sách của Paul Auster và tác động của nó lên tôi, chứ không phải về cuốn sách do tôi dịch. Cuốn sách này có hai phần, một phần viết về cha (Chân dung một người vô hình), một phần viết về những người cha và những người con trai và những người cô độc khác (Sách của kí ức).

Cuốn sách này là tác phẩm đầu tiên tạo ra được danh tiếng cho Paul Auster với tư cách một nhà văn. Thế nhưng, đây lại là một cuốn hồi kí và cuốn sách được tạo ra bởi những cuốn sách khác. Giống như cuộc đời ta được tạo thành bằng việc cộng lại tất cả những cuộc đời khác. Dẫu vậy, nếu chúng ta kể được về thời thơ ấu của mình, của cha mình, của con trai mình theo cách ông kể, thì có lẽ chúng ta cũng sẽ là một nhà văn thôi.

Tôi có lẽ là người hết sức xa lạ với tình cảm cha và con trai. Tôi là con gái của một người cha không thực sự gắn bó với cha của chính ông. Tôi không có anh trai, em trai. Bố tôi là con một, tức là tôi cũng không có chú. Ngoài sống với gia đình (với người cha luôn đi vắng và người mẹ hiếm khi dành thời gian cho con cái), tôi sống ba năm ở một gia đình khác với người cha đã hi sinh. Tôi không có trải nghiệm bản thân nào về tình cha con ngoài việc chứng kiến người anh họ của mình và đứa con trai đầu lòng của anh.

Tuy vậy, tôi có chung một điều với Paul Auster, đó là việc luôn đi tìm ngược lại thời gian đã mất của mình, để kiếm tìm một tình thương yêu vốn đã không bao giờ có, đi tìm một người cha vắng mặt, một người luôn nhìn về tất cả các hướng nhưng cũng chẳng nhìn vào đâu cả, một người vô hình trong mắt đứa con. Tôi tin là nếu có ai đó hỏi tôi và Paul Auster cùng một câu hỏi: “Bạn có tin cha mình yêu mình không?” thì cả hai đều sẽ trả lời là “Có”. Nhưng nếu họ hỏi tiếp: “Bạn có cảm thấy điều đó không?”, thì câu trả lời sẽ là “Không”. Nói như vậy thì nghe rất bất công với người cha, nhưng tất cả chúng ta đều luôn đi tìm kiếm một hình mẫu gắn bó với mình trong quá khứ, và có một số người sẽ không thể tìm thấy. Và càng đi ngược, tìm lại cái mình đã không có trong quá khứ, ta càng đi lạc và sự cô độc của người khác, những mảnh vụn của ký ức không thể tạo nên bức chân dung hoàn hảo. Cái đã không có ở đó, luôn là cái ta đánh mất.

Khởi sinh của cô độcTuy nhiên, ở một mặt khác như tôi từng viết trong một cái note trên Facebook: “Trong hình ảnh người cha mà tác giả viết ra, có cha của tôi. Khi tôi đưa cho bạn mình đọc thử bản dịch ấy, bạn dừng lại ở những đoạn mà tôi từng dừng khi đọc cuốn sách lần đầu tiên. Có lẽ tất cả chúng ta đều có chung một người cha, một người làm mọi thứ cho ta, nhưng cũng không làm gì cho ta cả, một người mà ta dành phần lớn thời gian thời niên thiếu và tuổi trẻ để liên tục khẳng định rằng ông không hiểu mình, để rồi bỗng một lúc nào đó ta bàng hoàng nhận ra: ta đã chẳng hiểu gì về ông, mãi bây giờ mới hiểu được chút ít.”

Điều hơi mỉa mai là vì người cha của mình chết đi, Paul Auster mới nhận ra mình chưa bao giờ là người con trai mà cha mình mong đợi (cha ông muốn ông kiếm tiền theo cách của mình, còn ông chọn làm nhà thơ) và chấp nhận được sự thất bại ở phương diện ấy (cũng như tôi, từ chối đi ngược lại mong muốn của cha mẹ mình là trở thành một giáo viên, sống gần họ, lấy chồng sớm và đẻ con). Sự vô tình của người cha và những lề thói của ông trở thành động lực cho sự lựa chọn đối ngược của người con.

Dẫu vậy, người cha không phải là một cá thể đặc biệt. Cái chết của ông được nối theo bằng việc Auster li thân với vợ (đồng nghĩa với việc xa cách khỏi con trai), và cả cái chết của ông ngoại mình (người ở một mặt nào đó, đã đóng vai một người cha chia sẻ với anh tình yêu dành cho bóng chày). Sự một mình của người cha như mở đầu, dẫn dắt (invention) ra một loạt những sự một mình của những người cha khác. Trong số họ có những người chọn sự một mình trong căn phòng bé nhỏ để theo đuổi những giấc mơ, có người ngồi một mình nhìn con trai đang chết, có người nhìn con trai lớn lên và biết rằng nó sẽ lãng quên tất cả những ký ức thời thơ ấu. Phần tiếp theo của cuốn sách (Sách của ký ức) giống như một sự mê man chạy từ hiện tại sang ký ức của chính mình, rồi từ ký ức của chính mình sang ký ức của những người khác.

Cuốn sách của Paul Auster là cuốn sách về những cuốn sách khác. Và cũng như bản chất của sự đọc (đọc thực sự, không phải thứ đọc để tìm kiếm những khái niệm triết học, những phát kiến về ngôn ngữ, về cải cách xã hội, cách mạng hình thức…) người ta tìm thấy ở ông ký ức của chính họ. Trong những gì ông viết về người cha của mình có phần của tôi, về cuộc đời của ông cũng có phần của tôi. Đúng cả ở đoạn ông bình luận về chuyện dịch: “Anh ngồi tại bàn đọc cuốn sách bằng tiếng Pháp và rồi cầm bút lên và viết ra chính cuốn sách ấy bằng tiếng Anh. Nó vừa là chính cuốn sách ấy vừa không phải là cuốn sách ấy, và sự kỳ lạ của hành động ấy không bao giờ thất bại trong việc khiến anh kinh ngạc. Mỗi cuốn sách là một hình ảnh của sự cô độc. Đó là một vật thể hữu hình người ta có thể cầm lên, đặt xuống, mở ra đóng lại, và những từ ngữ thể hiện lại sự cô độc của một con người trong nhiều tháng, nếu không phải nhiều năm, vì thế mỗi từ ngữ người ta đọc từ một cuốn sách có thể nói với họ rằng họ đang đối diện với một mảnh của sự cô độc ấy. Một người đàn ông ngồi cô đơn trong phòng và viết. Cho dù cuốn sách nói về nỗi cô đơn hay sự đồng hành, nó vẫn cần phải là một sản phẩm của cô độc. A. ngồi xuống trong căn phòng của chính mình để dịch cuốn sách của một người khác, và như thể anh đã bước vào sự cô độc của người đàn ông ấy và biến nó thành của mình. Nhưng chắc chắn điều đó là không thể. Vì một khi sự cô độc bị xâm phạm, một khi nỗi cô độc đã được người khác tiếp sức, thì đó không còn là nỗi cô độc nữa, mà trở thành một sự đồng hành. Thậm chí khi chỉ có một người đàn ông trong phòng, thì ở đó vẫn có hai người. A. hình dung mình như một bóng ma của người đàn ông kia, người vừa ở đây vừa không ở đây, và người có cuốn sách vừa giống hệt vừa không giống với cuốn sách mà anh đang dịch. Vì thế, anh tự nhủ, ta có thể vừa đơn độc vừa không đơn độc trong cùng một khoảnh khắc”.

Và tất cả chúng ta luôn phải chấp nhận sự một mình, và bằng cách này hay cách khác, chúng ta luôn lục lại trong ký ức của mình (nếu có điều gì không tồn tại trong ký ức đó, ta sẽ tìm đến ký ức của người khác). Đó là quy luật của sự tình cờ, nhưng cũng có thể là một sự sắp xếp đã định sẵn chờ những sự ngẫu nhiên xuất hiện.

3 thoughts on “Khởi sinh của chiều mưa

  1. Đoạn cuối có vẻ biên tập không kỹ, nên có vài lỗi chính tả. Hy vọng những hạt sạn ấy sẽ được nhặt bỏ trong lần tái bản tới. Cám ơn Dịch giả.

    Like

  2. Cảm ơn bạn, đúng là cuốn sách này có hơi bị gấp gáp trong tiến độ. Mình rất hi vọng là sách bán đủ chạy để được tái bản, và những lỗi còn sót lại sẽ được sửa.

    Like

Leave a comment