Rừng Nauy – Bài review không tên

Đừng thắc mắc tôi xem Rừng Nauy ở đâu và khi nào. Chỉ có điều bài review viết dưới đây có thể sẽ không khiến bạn (và chính tôi) hài lòng, vì một lý do tế nhị từ chuyện tôi xem phim bằng cách nào :)).
Khi viết bài này, tôi bỏ qua phần âm nhạc, một phần vì dung lượng trang báo có hạn, một phần vì tôi nghĩ có rất nhiều người sau khi xem phim sẽ viết về phần này hay hơn. Tôi cũng không nói nhiều tới chất thơ trong bộ phim, bởi vì thú thật tôi không cảm được nó mấy từ bản DVD, cho dù tôi tin chắc khi xem rạp bạn sẽ cảm thấy điều này rõ hơn, mang lại nhiều xúc cảm hơn.
Rừng Nauy là bộ phim được rất nhiều người mong chờ, nhưng tôi đã nghe ít nhất một người đã xem bày tỏ sự thất vọng về nó. Nhưng, tôi không thất vọng. Tại vì tôi chưa bao giờ mong muốn nó mang lại xúc cảm y hệt như cuốn sách, vì tôi chưa bao giờ thực sự là fan lớn của cuốn sách, vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Trần Anh Hùng sẽ gác bỏ phong cách của anh để ra sức thể hiện cuốn sách sao cho đúng ý Murakami nhất, và vì điều quan trọng nhất, tôi chưa bao giờ coi phim là thứ phái sinh từ những cuốn sách nó dựa trên. Tuy nhiên, tôi vẫn so sánh phim của Trần Anh Hùng với sách của Murakami, chuyện này đúng là bất khả kháng. Tệ thật!
Bài review ở dưới đã đăng trên báo 2!Đẹp, số ra hôm nay, không rõ các bạn bên báo đặt tiêu đề là gì. Tôi không đặt tiêu đề khi gửi.

———————————–

Thật khó để viết về phim Rừng Nauy mà không so sánh với cuốn sách gốc cùng tên của Murakami Haruki – một tác phẩm không chỉ là cuốn sách cuộc đời của hàng chục triệu người Nhật mà còn chia sẻ với trái tim thương tổn của rất nhiều người trẻ tuổi trên khắp thế giới. Sau khi ra mắt ở Venice, rất nhiều nhà phê bình đã khen ngợi bộ phim này, nhưng đồng thời cũng có những người so sánh bộ phim với cuốn sách và coi rằng đây là một sự thất bại. Vậy Rừng Nauy của Trần Anh Hùng có thực sự là nỗi thất vọng so với cuốn sách? Câu trả lời chắc chắn là không.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trần Anh Hùng chia sẻ rằng Murakami đã để lại một lời nhắn cho anh trên kịch bản: ““Hãy cứ làm bộ phim như anh tưởng tượng. Việc anh phải thực hiện là tạo ra một bộ phim đẹp nhất có thể.” Và đây là điều mà Trần Anh Hùng đã thực sự làm được, cùng với các đồng nghiệp của mình, anh đã tạo ra một bộ phim Rừng Nauy với nỗi buồn và cái đẹp – một bộ phim vẫn thể hiện được ý tưởng của cuốn sách, mà vẫn rất đặc trưng cho phong cách của anh.

Bộ phim giữ lại câu chuyện như trong tác phẩm văn học: Sau cái chết của người bạn thân, Toru rời khỏi quê nhà lên Tokyo, nơi anh gặp lại và đem lòng yêu đơn phương Naoko – người yêu của cậu bạn đã qua đời. Sau một đêm đón nhận Toru, Naoko đột ngột bỏ đi không một lời giải thích. Giữa lúc chìm ngập trong hàng ngàn câu hỏi, Toru gặp được Midori – cô gái tràn đầy sức sống, lòng lạc quan và khao khát. Cuộc sống của Toru từ đó chia thành hai nửa, một bên là Naoko chia sẻ cùng anh nỗi đau của tâm hồn, một bên là Midori với tình yêu sống động. Tuy nhiên, thế giới thực sự của Toru vẫn là sự chênh vênh của tuổi trẻ, với nỗi băn khoăn đi tìm lời đáp cho câu hỏi, “tôi đang ở đâu”?

Dù nằm trong tầm ngắm của nhiều đạo diễn, nhưng dễ thấy rằng Rừng Nauy không phải là một tác phẩm văn học dễ dựng thành phim bởi yếu tố tâm lý đậm đặc, và sự xuất hiện liên tục của các bức thư. Việc phải viện tới lời kể chuyện trong phim gần như là một điều hiển nhiên bởi không dễ dàng gì (nếu không nói là bất khả) để miêu tả “chút khí vón lại” trong tâm tưởng Toru sau khi Kizuki chết, hay cảm giác về “nghi lễ hàn gắn tâm hồn bị tổn thương” của anh trong những lần đi dạo cùng Naoko… Tuy nhiên, Trần Anh Hùng đã biến điều này thành điểm mạnh của mình, bởi vì anh kết hợp những lời kể bằng cùng những cảnh quay ngắn, nối tiếp trong một cách chuyển động máy quay tạo cảm giác mượt mà như một dòng chảy; bản thân những hình ảnh ấy lột tả được phần nào đó tâm lý nhân vật. Ở điểm này, Rừng Nauy cho thấy sự nhất quán xuyên suốt trong cách kể chuyện qua nhiều phim của Trần Anh Hùng, đồng thời cũng gợi nhắc lại về phong cách làm phim tương tự trong bộ phim chuyển thể từ truyện của Murakami trước đây: Toni Tanitaki. Có lẽ các đạo diễn, bằng một cách nào đó, đều đi đến một quyết định chung trong việc sử dụng hình ảnh để miêu tả tâm lý nhân vật “kiểu Murakami”.

Ngoài ra, để miêu tả được tâm lý nhân vật sâu sắc hơn, Trần Anh Hùng còn chủ ý nhấn mạnh vào tính tương phản giữa cá nhân Toru và cuộc sống xung quanh anh. Trong khi Murakami chỉ miêu tả về đời sống nổi loạn của sinh viên trong bối cảnh chính trị biến động rất ngắn gọn và đôi chút mơ hồ, thì Trần Anh Hùng dành hẳn một cảnh quay dài để nói về điều này. Trong phim, Toru đã bước đi giữa hàng trăm sinh viên khác đang hô hào, vác gậy gộc hăm hở, ào ào đổ về từ tất cả các ngả đường, nhưng anh vẫn lẳng lặng bước đi với khuôn mặt buồn không đổi khác, vừa thờ ơ vừa lẩn tránh. Khuôn mặt ấy vẫn giữ nguyên khi những sinh viên khác chạy thẳng vào lớp bi kịch Hy Lạp của anh để đòi giáo sư cho phép thảo luận chính trị. Sự im lặng của anh biến anh thành người khác biệt trong cô độc. Có lẽ đây là cách để mô tả nỗi cô đơn của riêng điện ảnh, điều mà muốn miêu tả hết, nhà văn hẳn sẽ phải tốn thời gian viết lách hơn nhiều.

Và cũng nằm trong nỗ lực miêu tả lại được những nhân vật “kiểu Murakami” này, bộ phim đã tập hợp được những diễn viên trẻ tài năng của Nhật Bản trong đó nổi bật nhất là Rinko Kikuchi và Kenichi Matsuyama. Rinko Kikuchi không làm người xem thất vọng với khả năng lột tả lại được một Naoko đầy đau đớn, bế tắc mà vẫn dịu dàng xinh đẹp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi cô là diễn viên nữ được quay đặc tả nhiều nhất bởi khả năng thể hiện cảm xúc của cô khiến cho khán giả không thể không day dứt cùng nhân vật. Toru, nhân vật trung tâm của bộ phim cũng được thể hiện xuất sắc qua diễn xuất của Kenichi Matsuyama. Anh đã để cho người xem thấy được hình ảnh của một thanh niên thập kỷ sáu mươi, với ánh mắt hoang mang, với sự mất mát của tâm hồn, nỗi cô đơn cá nhân giữa những sinh viên quá khích xung quanh mình, và nỗi đau đớn bật lên thành tiếng gào khi mất đi người mình yêu dấu. Ngoài ra, cá nhân người viết bài này rất ấn tượng với diễn xuất của Eriko Hatsune trong vai Hatsumi. Dù trong phim nhân vật này chỉ xuất hiện rất ít, nhưng cô đã thực sự tỏa sáng trong những cảnh quay dành cho riêng mình với phong thái lịch thiệp, nhã nhặn, khuôn mặt và ánh mắt toát lên nỗi đau khổ và hạnh phúc đan lồng. Tuy vậy, có thể nhân vật Midori do nữ diễn viên trẻ Kiko Mizuhara đảm nhận sẽ không thực sự làm người hâm mộ cuốn sách của Murakami Haruki thỏa lòng. Mizuhara đã diễn tả được vẻ đẹp tươi trẻ, trái tim lưu giữ tình yêu trong sáng, thậm chí vẫn dùng ngôn ngữ đối thoại y hệt như tác phẩm văn học, nhưng cô vẫn là Midori của Trần Anh Hùng, với phong cách diễn xuất kìm nén có thể sẽ gợi cho bạn về các nhân vật nữ chính trong những bộ phim khác của anh hơn là nhân vật đầy sôi nổi của Murakami.

Dưới sự đạo diễn của Trần Anh Hùng, Rừng Nauy còn là một bộ phim đẹp. Thời gian trong bộ phim của anh kéo dài từ mùa xuân, qua mùa hè, tới mùa đông. Mùa xuân đến khi Naoko vẫn còn bên anh, và rồi mùa hè mang theo Midori, cho dù tất cả lại kết thúc trong mùa đông lạnh giá. Dù là ở mùa nào, thiên nhiên Nhật Bản trong Rừng Nauy vẫn hiện lên với vẻ thanh khiết, gợi cảm, kể cả khi bối cảnh được lựa chọn là những bờ biển hoang vắng, chỉ có đá và nước. Những cảnh quay đan cài về cánh đồng bát ngát, những ngọn cỏ run rẩy, tuyết trắng vừa tạo ấn tượng hình ảnh đẹp và trữ tình cho phim, vừa góp phần thể hiện cho những thế giới tinh thần của nhân vật. Bên cạnh đó, khi xem phim, khán giả còn có cơ hội chiêm ngưỡng những trang phục lịch thiệp, trang nhã vừa đặc trưng cho thập kỷ 60 của Nhật Bản, vừa vẫn rất hiện đại đủ để mang lại cho người xem cảm giác câu chuyện ấy như đang xảy ra đâu đây.

Với tất cả những nỗ lực vừa để bảo toàn, vừa để biến đổi khỏi tiểu thuyết gốc, Rừng Nauy của Trần Anh Hùng thực sự là một bộ phim đáng xem. Tuy nhiên, sau tất cả, bạn sẽ nhận ra rằng tác phẩm điện ảnh này, dường như cũng có một phần tính chất của tác phẩm văn học, nó rất hợp để bạn thưởng thức khi chỉ có một mình. Và rất có thể, khi nghe Naoko nói: “Con người ta chỉ nên quay đi quay lại giữa 18 và 19 tuổi… như thế mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn” hay  khi bài hát Norwegian wood cất lên, bạn chợt nhận ra rằng mắt mình đã nhòa lệ, không phải vì Toru, Naoko, Reiko hay Hatsumi mà vì tâm hồn của chính bạn.

23 thoughts on “Rừng Nauy – Bài review không tên

  1. Em đọc lại cũng thấy thế đấy. Dạo này em cứ làm xong cái gì đọc lại là không thấy vừa ý. :)) Nhưng bút sa gà chết, biết làm sao.

    Like

  2. Chào bạn! Mình là thành viên của dienanh.net. Mình muốn mượn bài viết của bạn để post đóng góp cho box Bình luận phim của DAN vì mình thấy đây là bài review chất lượng. Rất hi vọng bạn đồng ý. Mong sớm có hồi âm :)

    Thân

    Like

  3. Cá nhân tôi sau khi xem xong rừng na uy do Trần Anh Hùng đạo diễm thì quyết định chẳng bao giờ tin vào bất kỳ anh đạo diễn Việt Nam nào, kể cả Tây học nhá. Cả cái phòng chiếu phim mà tôi đi xem ấy, cười cợt chế giễu cái phim nhảm nhí này. Tiểu thuyết của người ta hay là thế mà xem phim tức ko chịu được, như 1 cú đấm vào mặt và tôi có cảm giác như TAH ăn cắp tiền của tôi vậy. Cảnh phim rời rạc, nhạc phim cũng rời rạc, nhân vật nhờ nhờ chạy qua chạy lại, tình tiết thì lộn xộn, diễn viên thì xấu ko thể tả. Nv Naoko thì già như bác của Watanabe, trông như bằng tuổi với Reiko, lúc nào cũng cười như con ngớ ngẩn. Midori y như 1 con đĩ ko hơn, liếc mắt đưa tình gai cả người. Trong truyện M nói về sex 1 cách cá tính, rất thú vị và hài hước mà ko hề dung tục. Còn trong phim M cứ như 1 con ca ve rẻ tiền đang chài trai.Phim chỉ đẹp từng cảnh thôi. Thiết nghĩ TAH làm sách ảnh cho RNY thì hơn là dựng thành phim. Anh ta rất ham hố đưa vào phim những câu thoại sặc mùi giới tính gây shock nhưng đáng tiếc là nhân vật chưa tới tầm nên tởm ko thể chịu nổi. Nửa đầu phim chậm đến mức ngủ gật, tình tiết vừa thiếu vừa thừa, cuối phim nhanh như kiểu thôi chán rồi kết mẹ nó đi cho xong. lại còn thay đổi tình tiết đoạn gặp và ngủ với R. Làm phim ba láp như thế mà đem đi tranh giải này nọ chả bõ công ng ta chửi cho, lại còn xấu cả mặt điện ảnh Việt Nam.Khuyến cáo bạn nào đã đọc hay chưa đọc thì cũng đừng có đi xem làm gì, mất công, mất tiền mà thu về 1 cục tức đến giờ chưa tan. Thế nên phim mới chìn ngỉm đấy, PR cho lắm vào bây giờ giấu mặt vào đâu? Anh Hùng ơi là anh Khùng. Thà anh cứ rẻ tiền như Lê Hoàng đi tôi còn thông cảm đc chứ anh làm ra vẻ nghệ thuật mà thế này thì…tôi chả dám xem phim của mấy ông Việt Nam nữa đâu.

    Like

  4. Bạn có thể nghĩ như bạn đã viết ở đây, có lẽ ý kiến của bạn chia sẻ với rất nhiều người đã đi xem RNU, và cũng không nằm ngoài dự đoán của tôi khi xem bộ phim lần đầu tiên, trước khi viết review ở trên.
    Nhưng tôi chỉ muốn khẳng định lại một quan điểm của tôi rằng, một bộ phim vẫn là một bộ phim, và nó độc lập với cuốn sách mà nó chuyển thể. Không biết có bao nhiêu người bày tỏ sự thất vọng khi xem những bộ phim chuyển thể từ các cuốn sách họ yêu thích. Bởi vì đạo diễn có cách hình dung của đạo diễn, bạn có cách hình dung của bạn. Khi bắt đầu bước vào rạp xem Rừng Nauy, việc đầu tiên tôi làm là quên cuốn sách đi, chỉ còn nghĩ rằng tôi đang xem một bộ phim của Trần Anh Hùng. Tôi không ủng hộ lắm việc so sánh từng li từng tí với cuốn sách.

    Và nữa, dù Trần Anh Hùng làm rất nhiều phim nói tiếng Việt, nhưng anh ấy vẫn là người Pháp, lớn lên và học tập ở Pháp, tôi nghĩ không nên xếp anh ấy vào số các đạo diễn Việt Nam. :)

    Và có rất nhiều người không ôm cục tức sau khi xem phim như bạn, họ cảm thấy rất hài lòng về bộ phim dù cũng là những người cực kỳ yêu thích cuốn sách của Murakami. Nếu bạn đọc blog của Anh Poly (search google nhé) và Butchi (trong friends của tôi) bạn sẽ hiểu tại sao họ lại thích bộ phim, kể cả khi phim không giống sách. :)

    :D, nice comment anyway, thanks.

    Like

  5. Cứ cho là tôi sẽ xem phim như 1 cá thể độc lập với tiểu thuyết đi thì tôi vẫn chả hiểu anh ta-TAH cái hình dung tưởng tượng, cái tư tưởng của anh ta là cái khỉ gì hết. Cứ cho là nv của anh ta chỉ khoác cái tên của Murakami, mượn cái bối cảnh của M, chấm 1 tí tình tiết của truyện, đem 1 số lời thoại vào cho quen thì đây vẫn là 1 bộ phim dở hơi và tệ hại thật sự. Nv nói năng đi đứng lộn xộn và tôi đồ rằng anh ta cũng hiểu những gì M viết ra đấy, nỗi cô đơn của tuổi trẻ, sự bế tắc của những gì thuộc về bản năng nhất hay ý nghĩa của sự sống và cái chết nhưng trình độ hạn chế, right nên bộ phim nó mới lổn nhổn như thế. Nv của M mỗi ng “điên” 1 kiểu nhưng nó lo gic từ đầu đến cuối. Còn anh ta cảm cái quái gì thế? Phim dành cho “Hội những ng tự kỷ bất thường ko làm chủ đc hành vi à”. Tôi đi xem rạp và có cực kỳ nhiều những ng chưa hề đọc tiểu thuyết có nghĩa là cảm xúc của họ còn trinh nguyên, nhưng họ cũng chả hiểu cái cảm hay cái tư tưởng của đạo diễn. và tôi cay đắng khi nghĩ rằng bộ phim này sẽ ghim vào tâm trí họ là tiểu thuyết cũng chỉ là thứ dớ dẩn y như phim thôi. Còn nếu anh ta ko phải là ng Việt thì anh ta lấy 1 cái tên Pháp đi cho nhanh. íT nhất khi ng ta nhắc đến ng đã làm phim RNY thì sẽ ko liên tưởng đến nền điện ảnh non nớt của VN.
    P/s: Tôi cũng thấy điện ảnh Pháp chả có gì hay ho cả. Phim Pháp là cái thể loại nhạt nhẽo như 1 miếng nước đun sôi ấy, hài 1 tí, lãng mạn 1 tẹo, triết lý 1 ít, hành động 1 chút xíu rút cục là chả ra cái gì.

    Like

  6. Việc bạn không thích RNU và nhiều người khác chẳng hiểu gì cũng bình thường. Chả cứ gì mình RNU, phim nào cũng có những phản ứng trái chiều. Có một số phim ít người hiểu hơn một số phim khác cũng là lẽ thường. Nhiều người không phải là tất cả và tất nhiên không phải là chân lý.

    Nhưng, việc Trần Anh Hùng có cái tên Việt Nam nhưng có quốc tịchh Pháp và thụ hưởng văn hóa Pháp cũng chẳng có gì đáng bất bình tới thế. :)) Một người đẻ ra ở Mỹ có thể được đặt tên là Nguyễn Cu Tí cũng chẳng ảnh hưởng gì tới việc anh ta bản chất là người Mỹ. Huống gì Trần Anh Hùng được sinh ra ở VN rồi mới sang Pháp. Chắc chả ai đến nỗi vì có vài khán giả không hiểu được mình mà phải đổi cả tên :)).

    Và mình chẳng biết bạn đã xem bao nhiêu phim Pháp rồi, xem của những ai rồi, và xem phim của những nước nào rồi, xem những thể loại nào rồi, nhưng tuyên bố của bạn về phim Pháp thật đáng kinh hãi lắm thay. :))

    Like

  7. Đúng chứ như bạn nói nhiều ng ko phải là tất cả và tất nhiên ko phải là chân lý thế nên bộ phim THE SHAWSHANK REDEMPTION khi nó phát hành năm 1994 là 1 thất bại cả về doanh thu bán vé và trắng tay với giải Oscar,mọi ng lãng quên nó thì qua thời gian những cái gì có giá trị và là chân lý thì sẽ vẫn đc thừa nhận. “Phim dài (142 phút), hầu như toàn là đối thoại. Tiết tấu trung bình, không kỹ xảo, không hành động. Thủ pháp dàn dựng không có gì đột phá, đã vậy dẫn dắt bộ phim còn có người dẫn chuyện. Bối cảnh thì chật hẹp bức bối, bởi 80% câu chuyện xảy ra… trong nhà tù! Không những vắng bóng các diễn viên ngôi sao trẻ đẹp ăn khách, mà 99% diễn viên trong phim lại toàn là đàn ông! Chỉ có một bóng hồng duy nhất (vợ của nhân vật chính) xuất hiện khoảng 3 phút ở đầu phim… rồi bị giết chết không kịp nói một lời thoại! Còn từ đầu đến cuối phim toàn tù với tù: nhà tù, bạn tù, cai tù, quản giáo, vượt ngục…”. Thế mà nó lại rung động đc tôi bạn ạ, dù tôi xem nó vào năm 2010 tôi vẫn cảm nhận hết giá trị nhân văn của nó, giá trị đúng mãi với thơi gian. Tôi cũng là ng ko hề đi theo quần chúng, tôi chỉ xem 1 phần bộ phim về ma cà rồng đang đình đám giới trẻ và ko thèm xem nữa, vì nó nhạt. Và chỉ vài năm nữa thôi là nó cũng bị đào thải.Cũng ko phải vì quá yêu RNU mà tôi chỉ trích phim đâu.

    Chắc tại tôi quá bực mình khi nhiều tờ báo tung hô anh ta là đạo diễn gốc Việt tài năng và làm tôi hãnh diện dân tộc quá đến khi nhận đc kết quả thì…tôi bực mình với quốc tịch của anh ta. Nếu anh ta là ng Nhật làm có dở chắc tôi cũng chỉ tặc lưỡi rồi thôi. Tự hào đân tộc quả là khủng khiếp.

    Những phim pháp tôi từng xem có nhiều thể loại: hài, tình cảm xã hội, phim teen, thậm chí cả phim gay. Mà sao chả nhớ nổi tên, chả nhớ nổi nó có yn gì, tại nó nhạt quá đấy thôi.

    Cũng lâu rồi mới tìm thấy cảm giác sục sôi bừng bừng thế này. Bình thường có cái gì làm mình bực cũng chỉ thản nhiên AQ theo kiểu: cuối cùng thì nó cũng qua.

    Dù sao tôi cũng biết đc có ng thích phim này.Cuộc đời quả có nhiều góc cạnh cho ta suy nghĩ.

    Like

  8. @ca_sau_me: Tôi nhớ có lần đã nói: Điện ảnh là một thứ ngôn ngữ, diễn viên và hình ảnh là các chữ cái và khung cảnh của các từ! Người đạo diễn sử dụng ngôn ngữ đó để trình bày triết lý của mình, người xem cảm nhận ngôn ngữ đó thông qua trực giác và năng lực cảm thụ nghệ thuật của mình. Bạn ca_sau_me nhắc đến các khung hình đẹp trong phim của TAH, như vậy bạn đã vô tình thừa nhận một thứ ngôn ngữ trau chuốt mà TAH hay sử dụng. Bạn lại bảo Naoko là gìa, thì đúng như vậy còn gì, người trầm cảm bao giờ chả gìa trước tuổi. Với lại, gái gìa chính là sở thích của Wantanabe. Đoạn mô tả Wantanabe hạnh phúc (sướng) nhất là đoạn ân ái với nếp nhăn ở dưới háng của chị Reiko. Midori thì rõ ràng là có hơi hướng của tình dục bệnh hoạn, bạn đọc sách sẽ thấy đoạn tả Midori ngồi trước bàn thờ của bố mình mà lột hết quần áo đấy thôi. Tóm lại, TAH muốn thể hiện triết lý chán đời của Murakami bằng ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình. Còn bạn ca_sau_me chỉ xem TAH bằng trực gíac mà không hề có một năng lực cảm thụ nghệ thuật cơ bản nào cả.

    Thân mến!

    Like

  9. Bạn ơi, mình có thể xin phép bạn cho mình dùng bài review này của bạn cho chuyên mục Radio của VNSharing, mục Cảm xúc của bạn được không?

    Like

  10. Cảm ơn bạn nhiều :D
    Về credit, vì redio là đọc, nên mình sẽ ghi trong kịch bản là bài cảm nhận của bạn Thủy, còn link wp và chi tiết credit mình sẽ post tại topic lưu giữ per bạn nhé?

    Like

Leave a comment