Three Times

Bỗng nhiên lại một lần nữa viết về Hầu Hiếu Hiền. Không có gì mới, vẫn là một cái đã cũ đem ra xài lại. Nhưng, khi xem lại Three times – vẫn thấy lại xúc cảm ngày xưa, sau khi đã xem bộ phim từ hơn hai năm trước. Cho tới giờ, đây là bộ phim duy nhất tôi chưa từng đọc một review nào, bởi vì tôi chưa bao giờ viết gì về nó cho trọn vẹn.

Chie đã vác về nhà bộ phim Le Voyage du Ballon Rouge. Nhưng tôi chưa xem – không phải vì không có thời gian, mà tôi chưa muốn làm quen với Hầu Hiếu Hiền trong một bộ phim “không châu Á”.

Trước đây, tôi không hiểu tại sao ngay từ bộ phim đầu tiên, tôi đã thích đạo diễn này tới thế. Nhưng, giờ thì tôi hiểu. Ông có quá nhiều thứ tôi thích, và tôi có: bi quan, cực đoan, muốn xây dựng về mọi thứ như hàng ngày nó vẫn diễn ra như thế, tình yêu trong sáng dành cho trẻ em, nỗi buồn rầu dành cho những cô gái đẹp – mọi cô gái… Hầu hết phim Hầu Hiếu Hiền đều khiến cho người ta có cảm giác như ông có thể bắt đầu từ bất cứ khi nào, cũng có thể kết thúc vào bất cứ khi nào. Nhưng, tôi cảm thấy cuộc sống vẫn như thế, trữ tình, buồn, cay đắng và kiềm chế, rối loạn… nhưng nó đẹp, và không ai muốn từ chối nó, dù người ta cứ đi, đi mãi, tìm kiếm mãi một cái gì, rời bỏ một cái gì.

Three times là bộ phim hiếm hoi của Hầu Hiếu Hiền thực sự nói về tình yêu. Tình yêu của ba thời đại. Tôi nhớ thầy NQL đã nói về bộ phim này. Thầy – từ cái nhìn của một nhà biên kịch – cho rằng kịch bản của bộ phim đáng vứt đi. Người ta không ai lại chia ba thời thành ba khúc như vậy, người ta có thể đan cài nó vào nhau. Nhưng, đến cả David Lynch cũng chỉ dám dùng chung diễn viên cho hai cuộc đời trong Mulholland Dr., Hầu Hiếu Hiền có những ba. Hơn nữa, ta không cần thiết làm cho bộ phim thành quá phức tạp và không hiểu được. Tuy nhiên, khi nói về nội dung phim, thầy nói: ở phần thứ nhất, bối cảnh năm 1966: tình yêu là khi người đàn ông đi tìm người đàn bà; ở phần thứ hai, năm 1911: tình yêu là khi người đàn bà chờ đợi người đàn ông ra đi chẳng biết khi nào quay lại… Nhưng thầy không nói về câu chuyện thứ ba, năm 2005. Tôi thì có thể nói nốt về câu chuyện này. Vào năm 2005, tình yêu đã chết.

Tôi sẽ làm một việc hết sức bần tiện là kể lại cho mọi người nghe từng phần một của bộ phim (bởi tôi đã cố bảo một vài người xem bộ phim này và họ chỉ xem hết phần thứ nhất và vứt toẹt nó đi). Tôi sẽ không viết về những thứ mà tôi đã viết quá nhiều về Hầu Hiếu Hiền như phá vỡ bố cục, sức biểu cảm của ánh sáng, long take, góc máy… Những cái đó, ai xem phim của ông đều đã biết, và cũng vì những thứ đó mà đa số người ta ngủ lăn quay khi xem phim ông, đặc biệt là với những phim A time to live, a time to die hay Flowers of Shanghai.

Người ta dễ phải lòng phần đầu tiên, câu chuyện tình năm 1966. Và đó hẳn cũng là lý do Hầu Hiếu Hiền đưa nó lên đầu tiên và gọi nó là A time for love, dù theo trật tự thời gian nó phải nằm ở giữa. Đó là những ngày hạnh phúc. Cô gái tới làm việc cho một quán bi-a, ở đó cô đọc được lá thư tỏ tình của người đàn ông dành cho một phụ nữ khác. Họ gặp nhau, chơi bi-a cùng nhau. Cô chuyển đi, anh nhập ngũ. Anh đi tìm lại cô qua bao nhiêu mảnh đất. Rồi anh tìm được cô. Họ gặp nhau, hỏi han vài điều giữa quán bi-a đông nghẹt, cô xin cho anh điếu thuốc, họ đi ăn tối. Anh lỡ chuyến tàu cuối cùng, và họ đợi chuyến xe muộn. Dưới mưa, tay họ tìm lấy nhau, không quá riết róng, nhưng đủ dịu dàng để nói một điều từ đáy lòng.

Với Hầu Hiếu Hiền, thập kỷ 60 hẳn là những ngày ông yêu nhớ nhất trong suốt cuộc đời. Nỗi hoài niệm của ông về những ngày này lặp đi lặp lại, lãng mạn, thanh bình. Ông sử dụng hai bài hát tiếng Anh nổi tiếng của những năm 60 cho đoạn phim này. Chúng không hẳn là hai bài hát ngọt ngào và vui vẻ, nhưng từ đó, người ta thấy được cảm giác của tình yêu pha với cảm giác nuối tiếc.

Tuy nhiên, bài hát khiến người ta nhớ nhất phim phải là bài hát của đoạn thứ hai, năm 1911 – A time for freedom. Đó là một trong hai cảnh có âm thanh duy nhất trong suốt cả một đoạn phim câm dài. Tôi biết Thư Kỳ không hát những lời này, nhưng khuôn mặt cô biểu cảm chân thực tới mức người ta thấy cô đang rung chuyển. Tiếng hát đó sầu thảm, da diết và run rẩy. Người đàn ông trong phim đó nói nhiều tới tự do, tới cuộc đấu tranh mà anh theo đuổi để giành độc lập cho đất nước, anh giúp đỡ một cô ca kỹ khác để cô ấy có được tự do. Nhưng, điều duy nhất anh quên là tự do của người phụ nữ yêu anh – và có thể là người phụ nữ anh yêu. Cô là con chim đẹp bị nhốt lại trong lồng, và anh đi vì tự do, để cô ở lại cái lồng đó.

Phần về năm 2005 mang lại câu chuyện khiến cho nhiều người rất yêu thích, nhưng cũng sẽ có nhiều người phản ứng, đó là A time for youth. Có một cô gái lưỡng tính – cô có (và đã từng có) bạn gái nhưng cô vẫn tìm tới một người đàn ông. Hình ảnh cô gái đó đứng bên cửa sổ, cô che con mắt sáng của mình lại và nhìn vào người đàn ông bằng con mắt gần như mù với tôi là một chi tiết không bao giờ quên được. Nhân vật Qing – tên cô gái này – luôn quay lại với tôi khi tôi nghĩ về một người bạn. Sự tồn tại của cô thực sự chỉ là một bàn tay bám hờ hững vào cuộc sống. Cô luôn phải đeo tấm thẻ ghi thông tin để người ta biết cách cứu cô khi đột quỵ, cô yêu mà không yêu, cô buồn trong mọi hoàn cảnh, cô hát những lời rạn vỡ. Cô không có quá khứ, không có tương lại, chỉ có một thực tại của “hunger”. Cô gái trong phim này còn bi đát hơn cả người cô gái trong Millennium Mambo. Tình yêu của cô với người bạn gái hay với người đàn ông thực ra đều không tồn tại, và như tôi đã nói, tới năm 2005, tình yêu đã chết rồi (và giờ đã là năm 2009).

Điều kỳ quặc với riêng tôi là tôi không đồng cảm với bất cứ câu chuyện tình nào trong ba câu chuyện tình kể trên. Nhưng, toàn bộ phim, cả ba cuộc tình đó, lại chia sẻ với tôi rất nhiều điều. Hình ảnh cuối cùng của phần thứ nhất, năm 1966 khiến tôi nghĩ tới câu hát của Phạm Duy “Đưa em về dưới mưa, nói bao nhiêu cũng thừa”… Và cô gái của năm 2005, với khuôn mặt cô buồn bã, hoang mang thành vô cảm khi ngồi sau chiếc xe của người đàn ông khiến tôi nghĩ tới mọi thứ đang diễn ra quanh mình, Hà Nội. Người phụ nữ của năm 1911, với nỗi đau khổ chuyển thành thanh âm của bài hát, với cách cô chu đáo chỉnh lại từng chiếc khăn sau khi kẻ khác dùng, cách chăm chút kẻ lại đôi lông mày, và cách cô không háo hức nhưng kiên nhẫn đọc lá thư của người tình đã bỏ mặc cô khiến tôi cảm thấy chữ “đẹp” được hiện lên thành hình ảnh.

Và tôi nghĩ, ngoài Hầu Hiếu Hiền ra, không ai có thể tạo nên ở tôi cảm giác đó.

Ngay cả khi Three times chưa từng đứng trong top 5 phim tôi muốn xem lại nhất.

7 thoughts on “Three Times

  1. Câu hát của Phạm Duy đó thiệt ra là thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Chưa coi phim này mà thấy hình chụp màu đẹp quá.

    À, nói vụ review Up lộn người rùi, mình có bao giờ coi hoạt hình đâu hehe

    Like

  2. Trời, phí vậy đó hả? Đời mình ko bao giờ tưởng tượng nổi có ai đó ko bao giờ coi hoạt hình :((

    Like

  3. Book thief chắc còn lâu lắm mới ra bà chị ạ, lý do chính: em vẫn chưa revise và minh họa xong, hehehehe.
    Em đang máu chiến xong cuốn này nhanh nhanh rồi chiến cuốn của Oliver Sacks, vật quá :((
    Hôm qua có méc lão Bút chì là Chuyện con mèo dạy hải âu bay in ra minh họa tối thui như đêm ba mươi ấy, lão tặc lười. Tiếc thế….
    Còn dịch? Em khoái nhất chỗ “Ê, cu…”
    Hí hí hí, good job!

    Like

  4. Ờ lúc trước thì có, Disney kiểu classic á, ghét hoạt hình 3D của Pixar lắm (mặc dù thích The Incredibles và Ratatouille). :D

    Like

  5. qui ck review:

    Vẫn không ngờ rằng Three Times lại là phim đầu tiên của ông chính thức chiếu ở Mĩ, Hầu Hiếu Hiền là đạo diễn giỏi. A Time For Love đúng chất Hầu từ trước đến nay nhất, và cũng là phân đoạn hay nhất trong bộ phim này. Hai ca khúc thập niên 60 được sử dụng rất tốt trong phần này: Rain & Tears và Smoke gets in your eyes. Phần đầu dừng lại nhẹ nhàng, đẹp đẽ và khó quên trong tiếng nhạc, tiếng mưa và tiếng thổn thức của hai con tim yêu nhau, hình ảnh đôi bàn tay quyện lấy có sức mạnh nhiều hơn là lời nó.

    Và đó là tất cả những gì tuyệt vời nhất mà Hầu thực hiện trong phim. A Time for Freedom – phần hai, như tên gọi: bức bối và khó chịu, cần sự giải phóng, tự do. Không thoại, người ta bảo Hầu không dám sử dụng thoại vì sợ không làm bật được tinh thần của lời nói, nên dùng thủ pháp của phim câm ngày xưa: chữ trên màn hình riêng. Âm nhạc trong phần hai rất xuất sắc, tiếng piano được soạn riêng vừa mang âm hưởng phương Đông, vừa có chút lắt léo rất Tây, và hoàn toàn phù hợp.

    Tệ nhất vẫn là A Time for Youth, như tiêu đề: tuổi trẻ sống vội, đô thị não tình. Cô ca sĩ lưỡng tính, yêu một nhiếp ảnh và cả người tình Micky của mình. Một nhân cách bệnh hoạn là bàn đẩy cho âm nhạc mê muội và kì quặc của cô.

    Về diễn xuất, Thư Kỳ làm tròn vai song chưa thật sự xuất thần như mong muốn, cô nói trong buổi phỏng vấn rằng mình chỉ có 2,3 ngày để nhập vai khác nhau nên hơi khó khăn. Hầu hết kĩ thuật của phim heobeo đã trình bày rõ ràng nên tôi không cần nói lại.

    Về bốc cục, ánh sáng, thích nhất phần ba. Về nội dung thì yêu phần đầu, về âm nhạc thì không thể bỏ qua phần giữa. Nói tóm lại, Three Times là phim văn học, thích hợp với lớp khán giả tri thức và am hiểu về Điện ảnh. Phim không phải để giải trí, cũng không có một sự đặc biệt đột phá nào trong phong cách. Những ai yêu Điện ảnh nói chung, hẳn sẽ phải xem phim này. Những ai yêu Hầu Hiếu Hiền nói riêng, càng phải tìm xem phim này vì theo ông, nó là ba cột mốc huy hoàng nhất trong sự nghiệp của ông: 1985 – 1998 và 2001.

    Like

Leave a comment